Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 9

255. BÀ-LA-MÔN LỖ-HÊ-GIÀ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trú trong hang A-luyện-nhã,[2] thôn Di Hầu,[3] bên sông Thấp-ma-đà, thuộc nước A-bàn-đề.[4] Tôn giả được Bà-lamôn Lỗ-hê-già[5] cung kính cúng dường theo pháp của bậc A-la-hán.

Bấy giờ, vào sáng sớm, Tôn giả Ca-chiên-diên đắp y, ôm bát vào thôn Di Hầu theo thứ lớp khất thực. Khất thực xong, Tôn giả trở về cất y bát, rửa chân rồi vào thất tọa thiền.

Khi ấy có các đệ tử nhỏ tuổi của Bà-la-môn Lỗ-hê-già đi nhặt củi, đến gần hang của Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên rồi cười nói, đùa giỡn:

Trong hang này có Sa-môn trọc đầu ở, thân thể đen điu, không phải là người tôn quý ở thế gian. Tại sao Bà-la-môn Lỗ-hê-già lại phải tôn trọng cúng dường như đối với bậc A-la-hán?

Từ trong thất, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với các thiếu niên:

Này các chú nhỏ, các chú chớ làm ồn!

Các thiếu niên trả lời:

Vâng, chúng con không dám nói nữa!

Tôn giả khuyên ba lần như thế, nhưng rồi bọn trẻ vẫn cứ như vậy.

[0063c01] Lúc ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên liền ra ngoài cửa nói với các thiếu niên:

Này các chú nhỏ, các chú đừng làm ồn nữa. Ta sẽ thuyết pháp cho các chú, các chú hãy lắng nghe!

Các thiếu niên nói:

Thưa vâng, xin ngài thuyết pháp, chúng con sẽ lắng nghe và lãnh thọ!

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói kệ:

Xưa kia Bà-la-môn,
Tu tập giới thắng diệu,
Được sanh Túc mạng trí,[6]
Vui trong thiền chân thật.
Thường trụ tâm từ bi,
Đóng hết cửa các căn,
Điều phục lỗi của miệng,
Xưa tu tập như thế.
Nay bỏ hạnh chân thật,
Tích chứa việc hư dối,
Giữ chặt tánh buông lung,
Theo các căn sáu cảnh,
Đói khát ở gò mả,
Tắm, tụng kinh ba bộ,
Mà không giữ gìn căn,
Giống như mộng được báu.
Bện tóc, khoác áo da,
Không trộm, thân bết tro,
Áo thô, làm thân xấu,
Cầm gậy, ôm bình nước,
Giả dạng Bà-la-môn,
Để mong cầu lợi dưỡng.
Khéo nhiếp hộ thân mình,
Lắng sạch, lìa trần cấu,
Không não hại chúng sanh,
Là đạo Bà-la-môn.

Nghe xong, các thiếu niên Bà-la-môn tức giận không vui, nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên: “Ngài đã hủy báng kinh điển của chúng tôi, hủy báng những điều kinh nói, nhục mạ Bà-la-môn.” Nói xong, chúng ôm củi trở về chỗ Bà-la-môn Lỗ-hê-già rồi thưa:

Thầy biết không, ông Ma-ha Ca-chiên-diên kia đã phỉ báng kinh điển của chúng ta, chê bai lời dạy của những vị thầy Bà-la-môn, nhục mạ đạo Bà-la-môn.

Bà-la-môn Lỗ-hê-già nói với chúng đệ tử thiếu niên:

Các con đừng nói vậy! Vì sao như thế? Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên đầy đủ giới đức, không lý nào lại phỉ báng kinh điển, chê bai lời dạy của những vị thầy Bà-la-môn, nhục mạ đạo Bà-la-môn?

Các thiếu niên thưa:

Thầy không tin lời chúng con thì cứ đến đó xem.

Khi ấy, Bà-la-môn Lỗ-hê-già không tin lời bọn trẻ nói, liền đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên. Sau khi cùng nhau hỏi thăm xong, Bà-la-môn Lỗ-hêgià ngồi sang một bên, nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

Mấy chú đệ tử nhỏ của tôi có đến đây không?

[0064a01] Đáp rằng:

Chúng có đến!

Bọn trẻ có cùng ngài nói gì không?

Có cùng nhau nói chuyện!

Lỗ-hê-già nói:

Những lời ngài đã nói với bọn trẻ, xin ngài có thể vì tôi mà lặp lại!

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên liền nói lại đầy đủ. Bà-la-môn Lỗ-hê-già nghe xong cũng tức giận, tâm không vui, nói với Tôn giả Ca-chiên-diên:

Lúc nãy tôi không tin lời bọn trẻ, bây giờ thì đúng là ngài đã phỉ báng kinh điển Bà-la-môn, chê bai lời dạy của những vị thầy Bà-la-môn, nhục mạ đạo Bà-la-môn.

Nói lời ấy xong, ông im lặng giây lát rồi lại nói với Tôn giả Ca-chiên-diên:

Ngài nói về “cửa.” Thế nào là “cửa”?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

Lành thay! Lành thay! Bà-la-môn! Ông hỏi rất đúng pháp. Tôi sẽ nói cho ông nghe về cái “cửa.” Này Bà-la-môn! Mắt là cửa, vì thấy được sắc; tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cửa, vì nhận biết các pháp.

Bà-la-môn nói:

Hay thay! Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về cửa, ngài liền nói về cửa. Như những gì ngài đã nói, việc không giữ gìn cửa. Vậy thế nào là không giữ gìn cửa, thưa ngài?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

Lành thay! Lành thay! Bà-la-môn! Ông hỏi về việc không giữ gìn cửa, câu hỏi này rất đúng pháp, tôi sẽ nói cho ông nghe về việc không giữ gìn cửa.

Này Bà-la-môn! Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, khi mắt thấy sắc rồi, với sắc khả ái thì khởi tâm duyên theo và đắm trước, với sắc không khả ái thì khởi lòng sân hận. Vì họ không tu tập thân niệm xứ nên không biết như thật về tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Họ khởi lên đủ các loại pháp ác, bất thiện, không thể được Vô dư Niết-bàn,[7] làm trở ngại và không có đủ tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì không đầy đủ tâm giải thoát, tuệ giải thoát cho nên thân họ đầy những hạnh xấu, không thể dừng nghỉ, tâm không tĩnh lặng. Vì tâm không tĩnh lặng nên đối với các căn môn không thể điều phục, không thể gìn giữ, không thể tu tập. Như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết pháp cũng giống như vậy.

Bà-la-môn Lỗ-hê-già nói:

Hay thay! Hay thay! Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về việc không giữ gìn cửa, ngài liền nói cho tôi nghe về việc không giữ gìn cửa. Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Thế nào lại gọi là khéo giữ gìn cửa?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

Lành thay! Lành thay! Ông hỏi tôi về nghĩa khéo giữ gìn cửa. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Tôi sẽ nói cho ông nghe về nghĩa khéo giữ gìn cửa.

Vị Thánh đệ tử đa văn khi mắt thấy sắc, với sắc khả ái thì không khởi tâm duyên theo và đắm trước, với sắc không khả ái thì không khởi lòng sân hận, thường thu nhiếp tâm mình trụ vào thân niệm xứ nên biết như thật về vô lượng tâm giải thoát và tuệ giải thoát, những pháp ác, bất thiện tan biến hết, có đủ tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Tâm giải thoát và tuệ giải thoát đầy đủ rồi thì những hạnh xấu của thân xúc đều dừng nghỉ, tâm được chánh niệm. Đó gọi là cửa thứ nhất khéo điều phục, gìn giữ việc tu tập. Như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết pháp cũng giống như vậy. [0064b07] Bà-la-môn Lỗ-hê-già nói:

Hay thay! Hay thay! Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về nghĩa gìn giữ cửa, ngài liền nói cho tôi nghe về nghĩa gìn giữ cửa. Giống như người đi tìm cây thuốc độc lại được cam lộ. Nay tôi cũng như vậy, với tâm giận dữ đi đến ngồi đây lại được ngài rưới nước mưa Diệu pháp thấm mát thân tôi, tôi như được tắm nước mưa cam lộ.

Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Trong nhà nhiều việc, bây giờ tôi xin cáo từ.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

Bà-la-môn! Ông nên biết đúng thời.

Bà-la-môn Lỗ-hê-già nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên giảng nói xong đã hoan hỷ và tùy hỷ, đứng dậy ra về.[8]

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.255. 0063b19). Tham chiếu: S. 35.132 - IV. 116.

[2] A-luyện-nhã quật (阿練若窟, araññakuṭikā), nơi ở đơn sơ (hang, căn nhà vách đất) trong rừng.

[3] Di Hầu thất (獼猴室, Makkarakata), một thị trấn ở A-bàn-đề (Avanti).

[4] A-bàn-đề quốc (阿磐提國, Avanti): Nước A-bàn-đề.

[5] Lỗ-hê-già (魯醯遮, Lohicca).

[6] Túc mạng trí (宿命智): Trí biết được sanh mạng của đời trước.

[7] Nguyên tác: Vô dư diệt tận (無餘滅盡).

[8] Bản Hán, hết quyển 9.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.