Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 9

254. TÔN GIẢ NHỊ THẬP ỨC NHĨ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ[2] an trú trong núi Kỳ-xà quật, thường tinh cần tu tập pháp Bồ-đề phần.

Một hôm, đang ngồi tọa thiền một mình, Tôn giả khởi nghĩ: “Ta là một trong những đệ tử Thanh văn chuyên cần của đức Thế Tôn, vậy mà cho đến nay, ta chưa sạch hết các lậu hoặc. Ta vốn là người thiện nam có nhiều tài sản quý báu, nên chăng ta hãy hoàn tục để hưởng thụ năm dục rồi bố thí rộng rãi để tạo phước?”

Khi ấy, Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm của Nhị Thập Ức Nhĩ, liền bảo một vị Tỳ-kheo:

Thầy hãy đến chỗ Nhị Thập Ức Nhĩ và bảo là Thế Tôn truyền gọi.

[0062c01] Vâng lời Phật dạy, Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Nhị Thập Ức Nhĩ và nói rằng:

Thế Tôn truyền gọi Hiền giả!

Nghe Tỳ-kheo kia nói bậc Đạo sư truyền gọi, Nhị Thập Ức Nhĩ liền vội vàng đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.

Thế Tôn bảo Nhị Thập Ức Nhĩ:

Có phải khi tọa thiền một mình ở nơi thanh vắng, thầy đã khởi lên ý nghĩ như vầy: “Ta là một trong những đệ tử Thanh văn chuyên cần của đức Thế Tôn, vậy mà cho đến nay, ta chưa sạch hết các lậu hoặc. Ta vốn là người thiện nam có nhiều tài sản quý báu, nên chăng ta hãy hoàn tục để hưởng thụ năm dục rồi bố thí rộng rãi để tạo phước?”

Bấy giờ, Nhị Thập Ức Nhĩ kinh ngạc sợ hãi, toàn thân rúng động, khởi niệm: “Thế Tôn đã biết tâm ta”, liền bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, đúng như vậy!

Phật bảo Nhị Thập Ức Nhĩ:

Nay Ta hỏi thầy, thầy tùy ý mà trả lời Ta. Này Nhị Thập Ức Nhĩ! Lúc còn ở thế tục, thầy đàn rất hay có phải không?

Bạch Thế Tôn, đúng như vậy!

Thế Tôn lại hỏi:

Ý thầy nghĩ sao, khi thầy đàn, nếu dây đàn căng quá thì âm thanh có du dương êm dịu chăng?

Thưa không, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn lại hỏi:

Thế nào, nếu dây đàn chùng quá thì có phát ra âm thanh du dương êm dịu chăng?

Thưa không, bạch Thế Tôn!

Thế Tôn lại hỏi:

Thế nào, nếu khéo điều chỉnh dây đàn, không chùng, không căng sẽ phát ra âm thanh hòa nhã du dương chăng?

Đúng vậy, bạch Thế Tôn!

Phật bảo Nhị Thập Ức Nhĩ:

Người tinh tấn thái quá thì tăng thêm trạo hối, người thiếu tinh tấn thì sanh ra biếng nhác. Thầy tu tập nên giữ gìn sự quân bình, điều độ, chớ đắm trước, chớ buông lung, chớ chấp tướng.

Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui về.

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ thường nhớ ví dụ về cây đàn mà đức Thế Tôn đã dạy, một mình ở chỗ vắng tọa thiền, tư duy lời Phật... (cho đến) sạch hết lậu hoặc, tâm được giải thoát, chứng A-la-hán.

Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đắc quả A-la-hán, nội tâm cảm nhận sự an lạc giải thoát, liền khởi niệm: “Bây giờ, ta nên đến thăm viếng đức Thế Tôn.” Nghĩ thế, Tôn giả liền đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

Bạch Thế Tôn! Nhờ tu tập theo giáo pháp của Ngài mà con đắc quả A-lahán, sạch các hữu lậu, việc làm đã xong, đã buông bỏ gánh nặng, được lợi ích cho chính mình, dứt sạch các hữu kiết sử,[3] có chánh trí, tâm được giải thoát, ngay lúc ấy con cảm nhận được sự giải thoát trong sáu trường hợp.[4] Là sáu trường hợp nào? Đó là, giải thoát do lìa dục, giải thoát do lìa sân hận, giải thoát do viễn ly, giải thoát do dứt sạch khát ái, giải thoát do không chấp thủ và giải thoát do tâm không thất niệm.

[0063a01] Bạch Thế Tôn! Nếu có người nương một ít tín tâm mà nói đã lìa dục, được giải thoát thì điều này không đúng! Đến khi nào tham, sân, si dứt sạch thì mới gọi là đã lìa dục, được giải thoát chân thật.

Nếu lại có người nương vào sự hành trì một ít tịnh giới mà nói đã lìa sân hận, được giải thoát thì điều này cũng không đúng! Đến khi nào tham, sân, si dứt sạch thì mới gọi là đã lìa dục, được giải thoát chân thật.

Nếu lại có người nương sự tu tập xa lìa lợi dưỡng mà nói đã xa lìa, được giải thoát thì điều này cũng không đúng! Đến khi nào tham, sân, si dứt sạch thì mới gọi là đã lìa dục, được giải thoát chân thật. Dứt sạch tham, sân, si thì cũng gọi là lìa khát ái, cũng gọi là lìa chấp thủ, cũng gọi là lìa thất niệm, được giải thoát. Như thế, bạch Thế Tôn! Nếu các Tỳ-kheo chưa đắc quả A-la-hán, chưa sạch các lậu thì đối với sáu trường hợp này sẽ không được giải thoát.

Nếu lại có Tỳ-kheo nào đang ở giai vị Hữu học, chưa được Niết-bàn an lạc tối thượng mà muốn tu tập hướng đến an trụ tâm ấy thì lúc bấy giờ, vị ấy phải thành tựu học giới và thành tựu tu tập căn môn rồi sau đó mới dứt sạch lậu hoặc, được tâm vô lậu giải thoát,... (cho đến) tự biết không còn tái sanh. Bấy giờ, vị ấy thành tựu giới của bậc Vô học[5] và các căn[6] của bậc Vô học. Ví như đứa trẻ sơ sinh nằm ngửa, ngây ngô, khi ấy chỉ thành tựu các căn của một đứa trẻ; sau đó dần dần lớn khôn và thành tựu các căn thì bấy giờ mới thành tựu các căn của người lớn. Người còn ở giai vị Hữu học cũng lại như vậy, chưa được an lạc tối thượng,... (cho đến) thành tựu giới của bậc Vô học, các căn của bậc Vô học.

Khi ấy, mắt thường nhận biết sắc nhưng hoàn toàn không gây chướng ngại tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vì ý đã vững chắc, bên trong đã khéo tu vô lượng giải thoát, thường quán sát sự sanh diệt,... (cho đến) quán vô thường. Tai nhận biết âm thanh, mũi nhận biết mùi hương, lưỡi nhận biết vị, thân nhận biết xúc chạm, ý nhận biết pháp cũng không gây chướng ngại tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vì ý đã vững chắc, bên trong đã khéo tu vô lượng giải thoát, thường quán sát sự sanh diệt. Ví như gần thôn ấp có núi đá lớn không bị cắt xẻ, không bị phá hoại, không bị xuyên thủng, hoàn toàn kín mít thì giả sử có gió từ bốn phương thổi đến cũng không thể nào làm lay động và cũng không thể nào xuyên qua núi.

Bậc Vô học ấy cũng giống như vậy, mắt thường nhận biết sắc,... (cho đến) ý thường nhận biết pháp, cũng không gây chướng ngại tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vì ý đã vững chắc, bên trong đã khéo tu vô lượng giải thoát, thường quán sát sự sanh diệt.

Bấy giờ, Nhị Thập Ức Nhĩ trình lại bằng kệ tụng:

Lìa dục, tâm giải thoát,
Không giận, cũng như vậy,
Xa lìa, tâm giải thoát,
Tham ái trọn không còn,
Giải thoát mọi chấp thủ,
Và ý không thất niệm.
Biết rõ nhập xứ sanh,
Ở đó, tâm giải thoát,
Khi tâm đã giải thoát,
Ý Tỳ-kheo vắng lặng,
Các việc đã làm xong,
Chẳng cần làm thêm nữa.
Như núi đá lớn kia,
Gió bão không lay động,
Sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Và các pháp tốt xấu.
Sáu nhập xứ thường đối,
Cũng không động tâm kia,
Tâm luôn trụ vững chắc,
Quán đúng tính sanh diệt.

[0063b10] Khi Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ nói pháp này, bậc Đạo sư trong lòng hoan hỷ, các vị Phạm hạnh đa văn nghe Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ nói đều rất hoan hỷ.

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ nghe Phật thuyết pháp xong, hoan hỷ và tùy hỷ lễ Phật rồi lui ra.

Lúc ấy, Thế Tôn biết Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đã rời khỏi, liền bảo các Tỳ-kheo:

– Người tâm khéo giải thoát nên nói được như thế. Như Nhị Thập Ức Nhĩ dùng trí tuệ mà nói, không tự cao cũng không khinh người, nói đúng với đạo lý; không phải như những người tăng thượng mạn, nói không đúng đạo lý, tự khen mình được pháp hơn người thì chỉ tự chuốc lấy tổn hại.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.254. 0062b22). Tham chiếu: Sa-môn Nhị Thập Ức kinh 沙門二十億經 (T.01. 0026.123. 0611c26); Tăng. 增 (T.02. 0125.23.3. 0612a17); Căn Bản Thuyết

Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da phá Tăng sự 根本說一切有部毘奈耶破僧事 (T.24. 1450.17. 0185c24);

A. 6.55 - III. 374.

[2] Nhị Thập Ức Nhĩ (二十億耳, Soṇa).

[3] Hữu kiết (有結): Phiền não dẫn đến tái sanh.

[4] Giải thoát lục xứ (解脫六處, cha ṭhānāni adhimutto): So cha ṭhānāni adhimutto hoti, nekkhammādhimutto hoti, pavivekādhimutto hoti, abyāpajjādhimutto hoti, taṇhākkhayādhimutto hoti, upādānakkhayādhimutto hoti, asammohādhimutto hoti (Vị ấy có sáu chỗ để xu hướng, xu hướng xuất ly, xu hướng viễn ly, xu hướng vô sân, xu hướng ái diệt, xu hướng thủ diệt, xu hướng vô si), HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Nguyên tác: Vô học giới (無學戒). Theo Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054a05), đây chỉ cho giới tụ trong 5 tụ Vô học, gồm Vô học giới tụ, Định tụ, Tuệ tụ, Giải thoát tụ và Giải thoát tri kiến tụ (五無學聚, 無學戒聚, 定聚, 慧聚, 解脫聚, 解脫知見聚).

[6] Nguyên tác: Thành tựu Vô học căn (成就無學根), chỉ cho 5 căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ). S. 48.1 - V. 193 ghi: Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn (HT. Thích Minh Châu dịch). Xem thêm S. 48.12 - V. 200: Với sự toàn diện (samattā), này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Bất hoàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy tín hành (HT. Thích Minh Châu dịch).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.