Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Ưu-đà-di[2] du hóa trong nhân gian tại nước Câu-tát-la, đến thôn Câu-bàn-trà, trú trong vườn Am-la của nữ Bà-la-môn thuộc dòng Tỳnữu Ca-chiên-diên.[3]
[0061c02] Bấy giờ, các đệ tử nhỏ tuổi của nữ Bà-la-môn thuộc dòng Tỳ-nữu Ca-chiên-diên đi nhặt củi trong vườn Am-la, nhìn thấy Tôn giả Ưu-đà-di ngồi bên gốc cây, dung mạo đoan chánh, các căn yên tĩnh, tâm ý an trụ, thành tựu sự điều phục bậc nhất. Thấy rồi, chúng liền đi đến hỏi thăm và ngồi xuống một bên. Khi ấy, Ưu-đà-di vì các thiếu niên mà thuyết nhiều bài pháp, khích lệ tinh thần chúng xong Tôn giả ngồi yên lặng.
Sau khi nghe Tôn giả Ưu-đà-di thuyết pháp, các thiếu niên đã hoan hỷ, tùy hỷ đứng dậy chào ra về. Các thiếu niên ấy gánh củi trở về, đặt củi xuống đất xong, liền đi đến chỗ nữ Bà-la-môn thuộc dòng Tỳ-nữu Ca-chiên-diên và thưa:
Thưa thầy, trong vườn Am-la có Sa-môn Ưu-đà-di dòng họ Cù-đàm đang ở đó. Ngài ấy thuyết pháp rất hay!
Nữ Bà-la-môn nói với các thiếu niên:
Các con hãy đến mời Sa-môn Ưu-đà-di họ Cù-đàm ngày mai đến đây dùng cơm.
Các đệ tử niên thiếu vâng lời nữ Bà-la-môn, đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di thưa:
Tôn giả biết cho, thầy con là nữ Bà-la-môn thuộc dòng Tỳ-nữu Ca-chiêndiên mời Tôn giả ngày mai đến dùng cơm.
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di im lặng nhận lời. Các thiếu niên biết Tôn giả Ưu-đà-di im lặng nhận lời rồi, liền trở về thưa với nữ Bà-la-môn:
Thưa thầy, chúng con đã vâng lời thầy, thỉnh mời Tôn giả Ưu-đà-di và Tôn giả đã im lặng nhận lời. Xin thầy biết cho!
Sáng sớm hôm sau, Tôn giả Ưu-đà-di đắp y, ôm bát đến nhà của nữ Bà-lamôn thuộc dòng Tỳ-nữu Ca-chiên-diên. Nữ Bà-la-môn trông thấy Tôn giả từ xa đi đến, vội bày tòa mời ngồi, dọn các thức ăn uống, tự tay cúng dường nhiều món ngon.
Sau khi thọ thực, rửa tay, rửa bát xong, Tôn giả Ưu-đà-di trở lại chỗ ngồi. Nữ Bà-la-môn thuộc dòng Tỳ-nữu Ca-chiên-diên biết Tôn giả Ưu-đà-di đã dùng xong, bà đi đôi giày da tốt, lấy khăn che đầu, dáng vẻ kiêu mạn rồi ngồi lên một chiếc ghế cao được đặt riêng. Bà nói với Tôn giả Ưu-đà-di:
Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng? [0062a02] Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
Thưa cô, hôm nay không đúng lúc!
Tôn giả nói như thế xong liền đứng dậy ra đi. Đến sáng hôm sau, các đệ tử lại đến vườn Am-la nhặt củi, nghe pháp và trở về thưa lại với thầy, rồi thầy lại sai đến mời Tôn giả Ưu-đà-di dùng cơm. Ba lần mời dùng cơm và thỉnh pháp như thế đều bị Tôn giả Ưu-đà-di trả lời là “không đúng lúc.” Tôn giả không chịu thuyết pháp. Các đệ tử trẻ tuổi lại thưa với thầy:
Trong vườn Am-la, Sa-môn Ưu-đà-di thuyết pháp rất hay!
Vị thầy đáp:
Ta cũng biết ông ấy thuyết pháp rất hay nên ba lần mời đến, cúng dường và hỏi pháp, nhưng đều bị từ chối, nói là “không đúng lúc” rồi bỏ đi.
Các đệ tử thưa với thầy của họ:
Thầy mang giày tốt, lại lấy khăn che đầu và dáng ngồi không cung kính thì làm sao Tôn giả ấy thuyết pháp được! Vì sao như vậy? Vì Tôn giả Ưu-đà-di kia rất kính trọng pháp, cho nên ngài không nói mà bỏ đi.
Vị thầy trả lời:
Nếu đúng như thế thì các con vì ta mà đến mời ngài ấy một lần nữa.
Các đệ tử vâng lời, lại đi thỉnh cúng dường như trước.
Sau khi biết Tôn giả Ưu-đà-di dùng cơm xong, nữ Bà-la-môn liền tháo giày, sửa lại y phục, ngồi xuống một cái ghế thấp rồi cung kính thưa:
Thưa Tôn giả! Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?
Tôn giả Ưu-đà-di trả lời:
_Cô cứ hỏi tự nhiên, tôi sẽ vì cô mà giảng nói.
Nữ Bà-la-môn liền hỏi:
_Có Sa-môn, Bà-la-môn nói khổ, vui do mình tạo; lại có người nói khổ, vui do người khác tạo; lại có người nói khổ, vui do mình và người khác tạo; lại có người nói khổ, vui chẳng phải do mình tạo cũng chẳng phải do người khác tạo. Còn theo Tôn giả thì như thế nào?
Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
_Thưa cô, đấng A-la-hán[4] nói khổ, vui được sanh khởi theo cách khác chứ không nói như thế!
Nữ Bà-la-môn lại hỏi:
_Thưa Tôn giả! Nghĩa này thế nào?
Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
_Đấng A-la-hán nói từ nhân duyên mà sanh ra các khổ, vui.
Tôn giả Ưu-đà-di lại nói với nữ Bà-la-môn:
_Bây giờ tôi hỏi, cô tùy ý trả lời tôi. Ý cô thế nào, có mắt chăng?
_Thưa, có!
_Có sắc không?
_Thưa, có!
_Có nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui chăng?
_Có như vậy, thưa Tôn giả!
_Tôn giả Ưu-đà-di lại hỏi:
_Có tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui chăng?
_Có như thế, thưa Tôn giả!
[0062b01] Tôn giả Ưu-đà-di nói:
_Đó là điều mà đấng A-la-hán nói từ nhân duyên nên sanh ra khổ, vui.
Nữ Bà-la-môn hỏi:
_Thưa Tôn giả! Như vậy là đấng A-la-hán nói từ nhân duyên ấy mà sanh ra khổ, vui chăng?
Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
_Đúng vậy, nữ Bà-la-môn!
Nữ Bà-la-môn lại hỏi:
_Thưa Tôn giả! Đấng A-la-hán nói như thế nào về sự diệt trừ nhân duyên sanh ra khổ, vui, hoặc không khổ không vui?[5]Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
_Bây giờ tôi hỏi, cô tùy ý trả lời tôi. Này nữ Bà-la-môn! Trong mọi khoảng thời gian, tất cả mắt đều bị diệt hết không còn gì thì có còn nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui chăng?
_Thưa, không!
_Cũng vậy, trong mọi khoảng thời gian, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều bị diệt hết không còn gì thì có còn ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui chăng?
_Thưa, không!
_Như thế, này nữ Bà-la-môn! Đây là điều mà đấng A-la-hán đã nói về sự diệt trừ nhân duyên sanh ra khổ, vui, hoặc không khổ không vui.
_Khi Tôn giả Ưu-đà-di nói pháp này, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, vượt thoát nghi hoặc, không nương ai khác, được vào pháp Phật, ở trong Chánh pháp được vô sở úy. Bà từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cung kính chắp tay thưa với Tôn giả Ưu-đà-di:
Ngay từ bây giờ, con xin một lòng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Từ hôm nay, con nguyện quy y Tam bảo cho đến trọn đời.
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di vì nữ Bà-la-môn mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho bà được hoan hỷ[6] rồi đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.253. 0061b29). Tham chiếu: S. 35.133 - IV. 121.
[2] Ưu-đà-di (優陀夷, Udāyī).
[3] Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị (毘紐迦旃延氏, S. Veṇukātyāyanasagotrī, P. Verahaccānigottāya).
[4] Nguyên tác: A-la-ha (阿羅訶). P. Arahā, tức A-la-hán. Ở đây chỉ cho đức Phật.
[5] Nguyên tác: 云何阿羅訶說因緣生苦, 樂, 不苦不樂滅? Tham chiếu: S. 12.62 - II. 95: Sukhavedaniyaṃ, bhikkhave, phassaṃ paṭicca uppajjati sukhavedanā. Tasseva sukhavedaniyassa phassassa nirodhā yaṃ tajjaṃ vedayitaṃ sukhavedaniyaṃ phassaṃ paṭicca uppannā sukhavedanā sā nirujjhati sā vūpasammati (Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ, nên lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy được chấm dứt), HT. Thích Minh Châu dịch.
[6] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.