Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 9

252. THẦN CHÚ TRỪ RẮN ĐỘC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Khi ấy, có Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên-na[2] đang trú trong hang Đầu Rắn, giữa bãi tha ma của khu rừng Lạnh, dưới chân núi Ca-lăng-già, thuộc thành Vương Xá.[3]

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang tọa thiền một mình thì có con rắn cực độc, dài khoảng một thước,[4] từ trên phiến đá rơi trên người Tôn giả. Ưu-batiên-na liền gọi Tôn giả Xá-lợi-phất báo cho chúng Tỳ-kheo:

Có con rắn độc rơi trên thân con. Thân con đã bị trúng độc. Các thầy hãy mau khiêng thân con ra để bên ngoài, chớ để cho tấm thân này tan rã như một nắm trấu.

Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi bên một cội cây gần đó, nghe Ưuba-tiên-na nói thế, liền vội vã đến chỗ Ưu-ba-tiên-na quan sát rồi nói với Ưuba-tiên-na:

Tôi xem thấy sắc diện và các căn của Hiền giả không khác với lúc bình thường, vậy sao nói là trúng độc, nhờ đưa ra ngoài, chớ để thân của Hiền giả tan rã như một nắm trấu? Rốt cuộc thì như thế nào?

Ưu-ba-tiên-na nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

Nếu người nào nói như vầy: “Mắt là ta, là của ta. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý là ta, là của ta. Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp là ta, là của ta. Đất là ta, là của ta. Nước, lửa, gió, không và thức là ta, là của ta. Sắc uẩn là ta, là của ta. Thọ, tưởng, hành và thức uẩn là ta, là của ta” thì sắc diện và các căn của họ mới có sự thay đổi. Nay con không nói như vậy mà thấy rằng: Mắt không phải là con, không phải của con... (cho đến) thức uẩn không phải là con, không phải của con, vì vậy sắc diện và các căn của con không có gì thay đổi.

[0061a04] Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

Đúng vậy, Ưu-ba-tiên-na! Nếu Hiền giả vĩnh viễn xa lìa ngã, ngã sở, ngã mạn và kiết sử trói buộc, đã đoạn tận gốc rễ của chúng, giống như chặt ngọn cây đa-la, trong đời tương lai hoàn toàn không sanh khởi trở lại thì làm sao mà sắc diện và các căn của Tôn giả biến đổi cho được!

Nói xong, Tôn giả Xá-lợi-phất liền xoay người dìu Tôn giả Ưu-ba-tiên-na ra ngoài hang. Sau khi đưa ra khỏi hang, thân thể của Ưu-ba-tiên-na đã ngấm độc nên tan rã như một nắm trấu.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

Thường gieo trồng Phạm hạnh,
Khéo tu bát Thánh đạo,
Hoan hỷ xả mạng căn,
Như buông bát thuốc độc.
Thường gieo trồng Phạm hạnh,
Khéo tu bát Thánh đạo,
Hoan hỷ xả mạng căn,
Như người lành bệnh nặng.
Thường gieo trồng Phạm hạnh,
Khéo tu bát Thánh đạo,
Như ra khỏi nhà lửa,
Lâm chung không buồn tiếc.
Thường gieo trồng Phạm hạnh,
Khéo tu bát Thánh đạo,
Mắt tuệ nhìn thế gian,
Thấy như cây cỏ thối,
Không mong cầu thêm nữa,
Lại cũng chẳng luân hồi.

Sau khi cúng dường thi thể Ưu-ba-tiên-na xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Bạch Thế Tôn! Tôn giả Ưu-ba-tiên-na bị một con rắn cực độc nhỏ bằng chiếc thẻ chữa bệnh mắt rơi trúng thân, khiến thân thể Tôn giả tan rã như một nắm trấu.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Nếu Ưu-ba-tiên-na đọc bài kệ này thì đã không bị trúng độc, thân thể cũng không bị tan rã như một nắm trấu.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bài kệ tụng ấy như thế nào, lời văn ra sao?

Đức Phật vì Tôn giả Xá-lợi-phất mà đọc bài kệ:

Lòng từ luôn nghĩ đến
Lại-trá-la kiên cố,
Cùng Y-la-bàn-na,
Thi-bà-phất-đa-la,
Khâm-bà-la thượng mã,
Cũng thương Ca-câu-tra,
Và cả Hắc Cù-đàm,[5]
Nan-đà, Bạt-nan-đà.[6]
Từ những loài không chân,
Cho đến loài hai chân,
Bốn chân cùng nhiều chân,
Đều khởi lòng thương xót.
Từ bi với loài rồng,
Loài trên cạn, dưới nước,
Cho đến các chúng sanh
Đếm được, không đếm được.
An vui với tất cả,
Cũng xa lìa phiền não,
Muốn hết thảy đều hiền,
Tất cả đừng sanh ác.
Thường trong hang Xà-đầu,
Loài ác không tụ tập,
Thì rắn độc hung ác,
Đâu thể hại chúng sanh?
Như lời chân thật này,
Vô thượng Đạo sư thuyết,
Nay ta tụng kệ này,
Lời Đạo sư chân thật.
Những sinh vật ác độc,
Không thể hại thân ta,
Tham dục, sân hận, si,
Ba độc của thế gian.
Nếu ba loại độc này,
Trừ dứt, gọi Phật bảo,
Pháp bảo diệt ác độc,
Tăng bảo cũng không khác.
Phá trừ độc hung ác,
Nhiếp hộ những người lành,
Phật phá tất cả độc,
Nay phá nọc độc rắn.

[0061b18] Rồi tụng chú thuật như vầy: “Ổ-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-bà-đam-lục, nại-đế, túc-nại-đế, chỉ-bạt-đế, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ổ-lệ, ổ-ngu-lệ, tất-ba-ha.”

Này Xá-lợi-phất! Nếu khi ấy thiện nam Ưu-ba-tiên-na tụng bài kệ và đọc câu chú thuật này thì chắc chắn rắn độc không rơi trúng thân và thân thể cũng không bị tan rã như một nắm trấu.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tôn giả Ưu-ba-tiên-na chưa từng nghe bài kệ này, chưa từng nghe câu chú thuật này. Hôm nay, đức Thế Tôn nói bài kệ và chú thuật này chính là giúp cho đời sau.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe lời Phật dạy, hoan hỷ đảnh lễ rồi lui ra.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.252. 0060c14). Tham chiếu: Tùy Dũng Tôn giả kinh 隨勇尊者經 (T.14. 0505. 0773a03); S. 35.69 - IV. 40; Cv. 5.26.

[2] Ưu-ba-tiên-na (優波先那, Upasena).

[3] Vương Xá thành, Hàn lâm trung trủng gian, Xà-đầu nham hạ, Ca-lăng-già hành xứ (王舍城, 寒林中塜間, 蛇頭巖下, 迦陵伽行處). Theo S. 35.69 - IV. 40: Rājagahe viharati sītavane sappasoṇḍikapabbhāre (trú tại Vương Xá, rừng Sīta, hang Đầu Rắn).

[4] Nguyên tác: Xích (尺). Theo Thuyết văn giải tự (說文解字), quyển 8, vào thời Tây Hán, 1 thước gồm 10 tấc. Về sau, độ dài 1 thước có sự thay đổi. Đoạn kinh sau cho biết độ dài 1 thước này khoảng bằng chiếc thẻ chữa bệnh mắt, điều đó cho thấy 1 thước ở đây chưa tới 1 mét trong cách hiểu ngày nay.

[5] Hắc Cù-đàm (黑瞿曇, Kaṇhāgotamaka) dịch nghĩa tên của một loài rắn theo cách chiết tự, Kaṇha (黑), Gotamaka (瞿曇).

[6] Cv. 5.26 chỉ đề cập đến 4 loại rắn chúa, gồm: Virūpakkha, Erāpatha, Chabyāputta, Kaṇhāgotamaka.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.