Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 9

250. DỤC THAM LÀ SỰ TRÓI BUỘC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ ở Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la cùng ở núi Kỳ-xà quật.

Buổi chiều, sau khi xả thiền, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi cùng nhau hỏi thăm xong, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la ngồi sang một bên và nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

Tùy theo câu hỏi của Tôn giả, điều nào biết thì tôi sẽ trả lời!

Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la hỏi:

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Ý ngài thế nào? Mắt trói buộc sắc hay sắc trói buộc mắt? Tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp... ý trói buộc pháp hay pháp trói buộc ý?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

Chẳng phải mắt trói buộc sắc, chẳng phải sắc trói buộc mắt... (cho đến) chẳng phải ý trói buộc pháp, chẳng phải pháp trói buộc ý. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Ở trong liên hệ đó, nếu có dục tham44 thì đó là trói buộc. Ví như có hai con trâu, một đen, một trắng cùng buộc vào một cái ách, khi có người hỏi rằng: “Trâu đen buộc trâu trắng hay trâu trắng buộc trâu đen?” Nếu hỏi như thế thì có đúng không?

Không đúng, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Chẳng phải trâu đen buộc trâu trắng, cũng chẳng phải trâu trắng buộc trâu đen, nhưng ở trong liên hệ đó hoặc cái ách, hoặc sợi dây là những thứ trói buộc.

Đúng vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Chẳng phải mắt trói buộc sắc, chẳng phải sắc trói buộc mắt... (cho đến) chẳng phải ý trói buộc pháp, chẳng phải pháp trói buộc ý mà ở trong liên hệ đó thì dục tham chính là sự trói buộc vậy.

Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Nếu mắt trói buộc sắc, hoặc sắc trói buộc mắt... (cho đến) hoặc ý trói buộc pháp, hoặc pháp trói buộc ý thì Thế Tôn đã không dạy mọi người cần phải dựng lập Phạm hạnh để được hết khổ. Do chẳng phải mắt trói buộc sắc, chẳng phải sắc trói buộc mắt... (cho đến) chẳng phải ý trói buộc pháp, chẳng phải pháp trói buộc ý, thế nên đức Thế Tôn mới dạy mọi người cần dựng lập Phạm hạnh để được hết khổ.

Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Đối với đức Thế Tôn, khi mắt thấy sắc tốt hoặc sắc xấu đều không khởi dục tham, còn các chúng sanh khác thì nếu mắt thấy sắc tốt hoặc sắc xấu liền khởi dục tham. Do đó, đức Thế Tôn nói cần phải đoạn dục tham thì tâm mới được giải thoát. Khi tai nghe tiếng... (cho đến) ý tiếp xúc với pháp cũng giống như vậy.

Bấy giờ, hai vị Tôn giả đều uyển chuyển tùy hỷ rồi mỗi người trở về chỗ của mình.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.250. 0060a22). Tham chiếu: S. 35.232 - IV. 162. 44 Dục tham (欲貪) là 2 yếu tố, gồm dục (欲, kāma) và tham (貪, rāga).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.