Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 9

248. TÔN GIẢ ĐẠI THUẦN-ĐÀ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Kê Lâm,[2] thuộc nước Ba-trá-lợi-phấtđa-la.[3]

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả Đại Thuần-đà,40 cùng nhau hỏi thăm xong, Tôn giả A-nan ngồi xuống một bên và nói:

Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Thuần-đà nói với Tôn giả A-nan:

Tùy theo câu hỏi của Tôn giả, tôi biết điều gì sẽ trả lời!

Tôn giả A-nan hỏi:

_Như Thế Tôn, đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết đã nói rằng sắc do bốn đại tạo thành. Ngài đã chỉ bày, đã hiển thị rằng, sắc do bốn đại tạo thành này là vô ngã. Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết cũng nói thức là vô ngã chăng?

Tôn giả Thuần-đà nói với Tôn giả A-nan:

_Tôn giả là người đa văn bậc nhất. Tôi từ xa đến chỗ Tôn giả là vì muốn hỏi pháp này. Hôm nay, xin Tôn giả nói về nghĩa ấy.

Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Thuần-đà:

_Tôi hỏi Tôn giả điều này, xin hãy tùy ý trả lời. Thưa Tôn giả Thuần-đà! Phải chăng là có mắt, có sắc và có nhãn thức?

_Thưa, đúng như vậy!

Tôn giả A-nan lại hỏi:

_Phải chăng do mắt duyên với sắc mà sanh ra nhãn thức?

_Thưa, đúng như vậy!

Tôn giả A-nan lại hỏi:

_Nếu do mắt duyên với sắc mà sanh ra nhãn thức thì nhân ấy, duyên ấy là thường hay vô thường?

_Thưa, vô thường!

_Nhân ấy, duyên ấy sanh ra nhãn thức; khi nhân ấy, duyên ấy vô thường, thay đổi thì thức kia có tồn tại không?

_Thưa Tôn giả, không tồn tại!

_Ý Tôn giả thế nào? Pháp kia hoặc sanh, hoặc diệt đều có thể biết, vậy vị Thánh đệ tử đa văn có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?

_Thưa Tôn giả, không nên!

_Với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp thì ý Tôn giả nghĩ sao? Có ý, có pháp và có ý thức phải không?

_Thưa Tôn giả, đúng như vậy!

_Phải chăng do ý duyên với pháp mà sanh ra ý thức?

_Thưa Tôn giả, đúng như vậy!

_Nếu ý duyên với pháp mà sanh ra ý thức, vậy thì nhân ấy, duyên ấy là thường hay vô thường?

_Thưa, vô thường!

_Nếu như nhân và duyên sanh ra ý thức, khi nhân ấy duyên ấy vô thường, thay đổi thì ý thức có tồn tại chăng?

_Thưa Tôn giả, không tồn tại!

_Ý Tôn giả nghĩ sao, pháp ấy hoặc sanh, hoặc diệt đều có thể biết, vậy vị Thánh đệ tử đa văn có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?

_Thưa Tôn giả, không nên!

_Tôn giả A-nan nói với Thuần-đà:

_Thế nên, thưa Tôn giả! Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết nói rằng thức cũng vô thường. Ví như người cầm búa vào núi thấy cây chuối mà cho là có thể làm đồ dùng được, liền chặt ngang gốc, tước hết lá, lột bẹ để tìm lõi của nó, lột đến tận cùng cũng không thấy chỗ nào chắc thật. Cũng như vậy, vị Thánh đệ tử đa văn quán sát như thật về nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Trong lúc quán sát như thật thì vị ấy thấy không có gì đáng chấp thủ, vì không đáng chấp thủ cho nên không bị dính mắc, vì không dính mắc cho nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Khi thuyết pháp này, hai vị Tôn giả ấy đều uyển chuyển tùy hỷ rồi mỗi người trở về chỗ của mình.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.248. 0059b17). Tham chiếu: S. 35.193 - IV. 166.

[2] Kê Lâm viên (雞林園, Kukkuṭārāma) cũng thường gọi là Kê viên (雞園).

[3] Ba-trá-lợi-phất-đa-la (波吒利弗多羅, Pāṭaliputta) cũng gọi là Hoa Thị thành (華氏城), một thành phố thuộc nước Ma-kiệt-đà và hiện nay là thành phố Patna, bang Bihar, Ấn Độ. 40 Đại Thuần-đà (大純陀, Mahā Cunda).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.