Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 9

241. THÀ CHỊU NUNG ĐỐT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, thuộc nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo! Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thà lấy lửa nung cháy que đồng rồi đem thui con mắt của mình khiến nó bị cháy thiêu, chứ không nên để cái biết của mắt đắm nhiễm vào sắc tướng, chấp thủ theo sắc tướng tốt đẹp. Vì sao như vậy? Vì đắm nhiễm vào sắc tướng, chấp thủ theo sắc tướng tốt đẹp là rơi vào đường ác, giống như thỏi sắt bị chìm.

Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thà nung dùi sắt rồi đem khoan lỗ tai của mình, chứ không nên để cái biết của tai đắm nhiễm vào âm thanh, chấp thủ theo tiếng hay. Vì sao như vậy? Vì đắm nhiễm vào âm thanh, chấp thủ theo tiếng hay thì khi qua đời sẽ rơi vào đường ác, giống như thỏi sắt bị chìm.

Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thà dùng dao bén cắt đứt mũi của mình, chứ không để cái biết của mũi đắm nhiễm hương thơm, chấp thủ theo hương thơm. Vì sao như vậy? Vì đắm nhiễm hương thơm, chấp thủ theo hương thơm thì khi qua đời sẽ rơi vào đường ác, giống như thỏi sắt bị chìm.

Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thà dùng dao bén cắt đứt lưỡi của mình, chứ không để cái biết của lưỡi đắm nhiễm mùi vị, chấp thủ theo vị ngon. Vì sao như vậy? Vì đắm nhiễm mùi vị, chấp thủ theo vị ngon thì khi qua đời sẽ rơi vào đường ác, giống như thỏi sắt bị chìm.

Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thà lấy cây sắt nhọn, lấy cây giáo bén đâm vào thân thể của mình, chứ không để cái biết của thân đắm nhiễm vào sự xúc chạm, chấp thủ theo sự xúc chạm êm ái. Vì sao như vậy? Vì đắm nhiễm vào sự xúc chạm, chấp thủ theo sự xúc chạm êm ái thì khi qua đời sẽ rơi vào đường ác, giống như thỏi sắt bị chìm.

Này các Tỳ-kheo! Ham mê ngủ nghỉ là sinh hoạt của người ngu, là lối sống của người ngu, không có lợi, không có phước. Thế nhưng, này các Tỳ-kheo!

Thà vùi đầu vào việc ngủ nghỉ còn hơn đối với sắc kia mà khởi lên ý niệm mong cầu. Nếu người nào khởi lên ý tưởng mong cầu thì ắt sanh ra các trói buộc, tranh chấp, có thể khiến nhiều người làm việc phi nghĩa, không lợi ích an lạc cho trời và người.

Vị Thánh đệ tử đa văn nên học như thế này: “Nay ta thà nung giáo sắt đâm thủng con mắt mình chứ không để cái biết của mắt đắm nhiễm vào sắc tướng, rơi vào ba đường ác, mãi mãi chịu khổ đau. Từ hôm nay, ta sẽ chánh tư duy: ‘Quán sát mắt là pháp hữu vi, vô thường, do tâm duyên sanh. Nếu sắc, mắt và thức hòa hợp thì gọi là nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui thảy cũng đều là pháp hữu vi, vô thường, do tâm duyên sanh.’”

Đối với tai, mũi, lưỡi, thân nhập xứ cũng học như thế. “Thà lấy giáo sắt đâm thân thể của mình, chứ không thể để cái biết của thân đắm nhiễm vào sự xúc chạm, chạy theo sự xúc chạm êm ái mà rơi vào ba đường ác. Từ hôm nay, ta sẽ chánh tư duy: ‘Quán thân là pháp hữu vi, vô thường, do tâm duyên sanh. Nếu xúc, thân và thức hòa hợp thì gọi là thân xúc, thân xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui thảy cũng đều là pháp hữu vi, vô thường, do tâm duyên sanh.’”

Thánh đệ tử đa văn nên học như vầy: “Ham ngủ là cách sống của người ngu, là lối sống của người ngu, không công quả, không lợi ích, không có phước. Ta sẽ không ham mê ngủ nghỉ cũng không khởi lên ý tưởng mong cầu. Người nào khởi lên ý tưởng mong cầu thì ắt sanh ra các trói buộc, tranh chấp, có thể khiến nhiều người làm việc phi nghĩa, không lợi ích, không an lạc.”

Vị Thánh đệ tử đa văn quán như thế thì ngay nơi mắt sẽ sanh nhàm chán. Các pháp như sắc, mắt và thức hòa hợp gọi là nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, cũng đều sanh nhàm chán. Vì nhàm chán cho nên không ưa thích, vì không ưa thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như vậy.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tạp. 雜 (T.02. 0099.241. 0058a07). Tham chiếu: S. 35.235 - IV. 168.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.