Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 8

195. TẤT CẢ ĐỀU VÔ THƯỜNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Tất cả đều vô thường. Thế nào là tất cả đều vô thường? Nghĩa là mắt vô thường; sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, cảm thọ vui, cảm thọ không khổ không vui,[2] chúng cũng vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng lại như vậy.

Bậc Thánh đệ tử đa văn quán sát như vậy rồi nên nhàm chán đối với mắt; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, cảm thọ vui, cảm thọ không khổ không vui đều sanh tâm nhàm chán đối với chúng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý; thanh, hương, vị, xúc, pháp; ý thức, ý xúc và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, cảm thọ vui, cảm thọ không khổ không vui đều sanh tâm nhàm chán đối với chúng.

Do nhàm chán nên không ưa thích, do không ưa thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến rồi tự thân tác chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Giống như kinh trên nói về Vô thường, các kinh nói về Khổ, Không, Vô ngã cũng nói như trên.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.195. 0050a11). Tham chiếu: S. 35.1-12 - IV. 1-6.

[2] Tham chiếu cấu trúc S. 35.33 - IV. 27: Yampidaṁ manosamphassapaccayā uppajjati vedayitaṁ sukhaṁ vā dukkhaṁ vā adukkhamasukhaṁ (Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc), HT. Thích Minh Châu dịch.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.