Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Chấp trước[2] là bệnh, chấp trước là ung nhọt, chấp trước là gai nhọn. Vì Như Lai sống không chấp trước nên xa lìa bệnh, xa lìa ung nhọt, xa lìa gai nhọn.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy sống với ước nguyện không chấp trước để xa lìa bệnh, xa lìa ung nhọt, xa lìa gai nhọn. Này các Tỳ-kheo! Chớ nghĩ rằng “mắt là ta, là của ta”, chớ nghĩ rằng “mắt lệ thuộc vào nhau.” Các pháp như sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, cảm thọ bên trong, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, đối với tất cả, chớ nghĩ rằng chúng là ta, là của ta, hoặc tồn tại trong nhau.
Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng lại như vậy.
Này các Tỳ-kheo! Người nào không chấp trước như vậy thì không còn chấp thủ, do không chấp thủ nên không dính mắc, do không dính mắc nên chứng đắc Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Tương tự như kinh nói về mắt, đối với mọi việc khác cũng nói như vậy.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.227. 0055c13). Tham chiếu: S. 35.90 - IV. 64; S. 35.91 - IV. 66.
[2] Nguyên tác: Kế (計) có nhiều nghĩa. Thứ nhất, chỉ cho vọng tâm suy lường, như kinh số 226 đề cập. Thứ hai, là sự chấp trước (saṅga). Theo Chú giải Kinh Pháp cú, kệ số 370, có 5 thứ chấp trước (pañcasaṅga) gồm: tham (rāga), sân (dosa), si (moha) mạn (māna) và [tà] kiến (diṭṭhi). Ở chi tiết này, bản Hán khác biệt so với bản Pāli.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.