Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Có con đường dẫn đến tất cả thủ.[2] Thế nào là con đường dẫn đến tất cả thủ? Đó là do mắt duyên với sắc mà sanh ra nhãn thức, khi ba yếu tố này hòa hợp thì gọi là xúc. Do có xúc nên có thọ, do có thọ nên có ái, do có ái nên có thủ, do có thủ nên có tất cả thủ.[3] Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như vậy. Do có thủ nên có tất cả thủ. Đây gọi là con đường dẫn đến tất cả thủ.
Thế nào là con đường đoạn trừ tất cả thủ? Do mắt duyên sắc sanh ra nhãn thức, khi ba yếu tố này hòa hợp thì gọi là xúc. Nếu xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt. Cứ như thế mà biết, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.221. 0055a17). Tham chiếu: Sư tử hống kinh 師子吼經 (T.01. 0026.103. 0590b05); M. 11, Cūlasīhanāda Sutta (Tiểu kinh sư tử hống).
[2] Thủ (取, upādāna), chi thứ 9 trong 12 nhân duyên, chỉ cho sự chấp trước, ôm giữ, nắm giữ, khát khao, mong cầu tái sanh trong 3 cõi, gồm dục thủ (欲取), kiến thủ (見取), giới cấm thủ (戒禁取) và ngã luận thủ (我論取).
[3] Nguyên tác: Sở thủ (所取). Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.89. 0803b25) định nghĩa: Thế nào gọi là sở thủ? Đáp: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ gọi là sở thủ (問何所取. 答欲見戒禁我語是所取). Bốn loại thủ này bao hàm các thủ nên có thể xem là tất cả thủ.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.