Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 8

217. BIỂN LỚN (2)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Nói biển lớn, đó là lời nói của hàng phàm phu trong thế gian chứ chẳng phải lời của bậc Thánh, bởi vì biển lớn này chỉ có một ít nước mà thôi. Bậc Thánh nói mắt chính là biển lớn của con người và sắc kia là sóng biển. Nếu người nào chịu đựng được sóng biển sắc này sẽ đến được bờ kia biển cả của mắt, với các dòng sóng lớn, dòng nước xoáy, loài trùng dữ, cùng với nữ quỷ la-sát. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng đều là biển lớn của con người và thanh, hương, vị, xúc, pháp chính là sóng biển. Nếu người nào chịu đựng được sóng biển thanh, hương, vị, xúc, pháp ấy sẽ đến được bờ kia biển cả của tai, mũi, lưỡi, thân và ý, với các dòng sóng lớn, dòng nước xoáy, loài trùng dữ, cùng với nữ quỷ la-sát.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Biển lớn muôn sóng dữ,         
Sợ thay quỷ, độc trùng,
Khó vượt mà vượt được,
Cùng thoát đến vô cùng.
Dứt hết mọi khổ đau,                                       
Không còn thọ thân sau,
Niết-bàn an trú mãi,                                
Buông lung còn nữa đâu.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.217. 0054c05). Tham chiếu: S. 35.228 - IV. 157. 83 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.218. 0054c19). Tham chiếu: S. 12.43 - IV. 71; S. 35.106 - IV. 86.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.