Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng cho các thầy về hai pháp. Các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Hai pháp đó là gì? Mắt và sắc là hai, tai và âm thanh là hai, mũi và mùi hương là hai, lưỡi và vị là hai, thân và xúc là hai, ý và pháp là hai. Đó gọi là hai pháp.
Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như vầy: “Đó chẳng phải là hai pháp. Samôn Cù-đàm nói là hai pháp nhưng đây chẳng phải là hai pháp.” Rồi người này tự nói ra hai pháp theo ý của mình nhưng chỉ có trên ngôn thuyết, vừa khiến người nghe không hiểu lại còn tăng thêm sự nghi ngờ, vì chẳng phải cảnh giới của họ.
Vì sao như vậy? Bởi vì mắt duyên với sắc sẽ sanh ra nhận biết của mắt, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc, duyên xúc sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, hoặc cảm thọ không khổ không vui. Nếu người nào không biết đúng như thật về sự tập khởi của cảm thọ, sự diệt tận của cảm thọ, vị ngọt của cảm thọ, tai hại của cảm thọ và về sự xuất ly cảm thọ này thì người ấy sẽ gieo trồng tham dục từ xúc chạm của thân, gieo trồng sân hận từ xúc chạm của thân, gieo trồng giới thủ[2] từ xúc chạm của thân, gieo trồng ngã kiến[3] từ xúc chạm của thân, đồng thời cũng gieo trồng và làm tăng trưởng các pháp ác, bất thiện. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn đều theo đây sanh khởi. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng như vậy. Khi ý duyên pháp sanh ra ý thức, ba yếu tố này hòa hợp sanh ra xúc... (chi tiết tương tự như trên đã nói).
Lại nữa, mắt duyên với sắc sanh ra nhận biết của mắt, ba yếu tố này hòa hợp sanh xúc, xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, hoặc cảm thọ không khổ không vui. Nếu người nào biết đúng như thật về sự tập khởi của cảm thọ, sự diệt tận của cảm thọ, vị ngọt của cảm thọ, tai hại của cảm thọ và sự xuất ly cảm thọ này rồi thì người ấy sẽ không gieo trồng tham dục từ xúc chạm của thân, không gieo trồng sân hận từ xúc chạm của thân, không gieo trồng giới thủ từ xúc chạm của thân, không gieo trồng ngã kiến từ xúc chạm của thân, đồng thời cũng không gieo trồng các pháp ác, bất thiện. Như vậy, các pháp ác, bất thiện sẽ không còn và toàn bộ khối khổ lớn cũng dứt sạch. Năm căn là tai, mũi, lưỡi, thân, ý duyên với năm trần là thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng giống như vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.213. 0054a01). Tham chiếu: S. 35.92 - IV. 67.
[2] Giới thủ (戒取) còn gọi là “giới thủ kiến” (戒取見), “giới cấm thủ kiến” (戒禁取見). Kiến chấp sai lầm khởi lên từ những giới cấm phi lý, loại này gồm cả tà chấp và lối tu khổ hạnh. Theo Câu-xá luận 俱舍論 (T.29. 1558.19. 0099b21); Thành duy thức luận 成唯識論 (T.31. 1585.06. 0032a02).
[3] Ngã kiến (我見): Kiến chấp sai lầm cho rằng có thật ngã.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.