Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 8

212.  HẠNH KHÔNG BUÔNG LUNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Như Lai không phải vì tất cả Tỳ-kheo mà giảng nói hạnh không buông lung, cũng không phải không vì tất cả Tỳ-kheo mà giảng nói hạnh không buông lung.

Như Lai không giảng nói hạnh không buông lung đối với những vị Tỳkheo nào? Đó là những vị Tỳ-kheo đã chứng đắc A-la-hán, sạch các phiền não, buông bỏ các gánh nặng, đạt được phước lợi tự thân, đã sạch các phiền não dẫn đến tái sanh,[2] tâm thật sự giải thoát thì Như Lai không vì họ mà giảng nói hạnh không buông lung. Vì sao như vậy? Vì những vị Tỳ-kheo ấy đã hành trì pháp không buông lung nên sẽ không thể nào gây tạo việc buông lung nữa. Hiện tại, Như Lai nhận thấy những Tỳ-kheo ấy đã được quả không buông lung nên Như Lai không vì họ mà dạy hạnh không buông lung nữa.

Như Lai vì hàng Tỳ-kheo nào mà giảng nói hạnh không buông lung? Đó là những vị Tỳ-kheo còn ở địa vị Hữu học,[3] tâm ý chưa được an ổn tăng thượng, đang hướng đến an trụ Niết-bàn. Như Lai sẽ dạy hạnh không buông lung cho những Tỳ-kheo như thế. Vì sao như vậy? Vì những Tỳ-kheo ấy đang tu tập các căn, tâm vẫn còn ưa thích duyên theo các phương tiện sinh sống. Nếu được thân cận thiện hữu tri thức thì không bao lâu họ sẽ dứt sạch các phiền não, được tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay hiện tại tự thân tác chứng và tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Vì sao như vậy? Bởi vì, đối với những sắc đáng yêu, đáng thích và đắm trước được mắt nhận biết, vị Tỳ-kheo kia khi thấy như vậy thì không còn ưa thích, không còn khen ngợi, không còn đắm nhiễm, không bị dính mắc. Do không ưa thích, không khen ngợi, không đắm nhiễm, không bị dính mắc nơi sắc nên các vị ấy tinh chuyên nỗ lực tu tập, thân tâm tịch tịnh, tâm luôn an trụ không quên, thường định tĩnh nhất tâm, đạt được pháp hỷ vô lượng, nhanh chóng chứng đắc chánh định bậc nhất, không bao giờ thoái thất theo sự sanh diệt của mắt và sắc nữa. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp cũng như vậy.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thich

[1] .02. 0099.212. 0053c07). Tham chiếu: . 35.134 - IV. 124.

[2] Nguyên tác: Hữu kiết (有結): Các phiền não dẫn đến tái sanh.

[3] Nguyên tác: Học địa (學地), chỉ cho các giai vị của bậc Hữu học, còn phải tu giới, định, tuệ để chứng đắc Thánh quả.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.