Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn xoài của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la ở thành Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Xưa kia, khi chưa thành tựu quả vị Chánh giác, Như Lai thường một mình ở nơi thanh vắng, thiền định tư duy, quán sát xem tâm mình phần lớn hướng đến nơi nào? Như Lai nhận thấy tâm mình phần lớn chạy theo năm loại dục[2][3] ở quá khứ, ít chạy theo năm loại dục ở hiện tại, lại càng rất ít chạy theo năm loại dục ở tương lai. Khi đã quán biết tự tâm phần nhiều chạy theo năm loại dục ở quá khứ rồi, Như Lai liền nỗ lực tìm phương tiện và tinh cần tự gìn giữ, không để tâm chạy theo năm loại dục ở quá khứ nữa.
Nhờ tinh cần tự gìn giữ tâm nên Như Lai dần dần thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này các Tỳ-kheo! Các thầy cũng phần nhiều chạy theo năm loại dục ở quá khứ, lại rất ít chạy theo năm dục ở hiện tại và năm dục trong tương lai. Thế thì các thầy cũng phải tăng cường nỗ lực tự gìn giữ, không để tâm chạy theo năm loại dục ở quá khứ nữa thì không bao lâu các thầy cũng sẽ dứt sạch các phiền não, được tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại tự thân tác chứng và tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Vì sao như vậy? Bởi vì mắt thấy sắc sẽ làm nhân duyên sanh ra cảm thọ bên trong, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, hoặc cảm thọ không khổ không vui. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng vậy, khi tiếp xúc với thanh, hương, vị, xúc, pháp, sẽ làm nhân duyên sanh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Đối với những nhập xứ kia, các thầy phải nhận biết rõ. Nếu mắt đã diệt tận thì sắc tưởng cũng diệt tận.[4] Khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý diệt tận thì các tưởng nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng diệt tận.
Đức Phật lại nói: “Các thầy hãy nhận biết rõ về sáu nhập xứ!” Nói xong, Thế Tôn vào thất tọa thiền.
Sau khi Thế Tôn đi rồi, có nhiều Tỳ-kheo bàn luận với nhau: “Thế Tôn chỉ nói tóm lược pháp trọng yếu mà không giảng rộng cho chúng ta, rồi Ngài vào thất tọa thiền. Thế Tôn có nói: ‘Phải nhận biết rõ sáu nhập xứ. Nếu mắt diệt tận thì sắc tưởng sẽ diệt tận; tai, mũi, lưỡi, thân, ý diệt tận thì các tưởng nơi thanh, hương, vị, xúc và pháp cũng diệt tận.’ Hiện tại, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ giáo pháp mà Thế Tôn lược nói. Trong chúng này, vị nào có trí tuệ có thể vì chúng ta mà giảng rộng nghĩa lý ấy không?”
Rồi họ lại nghĩ: “Chỉ có Tôn giả A-nan là người thường hầu cận Thế Tôn, thường được đấng Đại sư khen ngợi là người thông minh và Phạm hạnh. Chỉ có Tôn giả A-nan mới có thể giảng rộng cho chúng ta nghĩa lý giáo pháp mà Thế Tôn đã lược nói. Nay chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Tôn giả A-nan để thưa hỏi về yếu nghĩa ấy, sau đó sẽ vâng làm theo lời Tôn giả giảng giải.”
Bấy giờ, nhiều Tỳ-kheo cùng đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi chào hỏi nhau xong, họ ngồi sang một bên rồi trình bạch:
Thưa Tôn giả! Vừa rồi, Thế Tôn chỉ nói tóm lược pháp trọng yếu cho chúng tôi... (chi tiết như đã nói ở đoạn trên). Xin Tôn giả vì chúng tôi mà giảng rộng nghĩa lý của pháp yếu ấy.
Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo:
Các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Tôi sẽ vì các thầy mà giảng rộng giáo nghĩa đã được Thế Tôn lược nói. Giáo pháp mà Thế Tôn lược nói chính là pháp sáu nhập xứ diệt tận, còn có những điều khác cần nói nữa, đó là nhãn nhập xứ diệt tận thì niệm tưởng nơi sắc liền diệt; tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập xứ diệt tận thì niệm tưởng nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp liền diệt. Thế Tôn nói khái lược pháp trọng yếu này xong, Ngài vào tịnh thất tọa thiền. Nay tôi đã vì các thầy mà nói rộng nghĩa lý ấy.
Tôn giả A-nan nói rộng nghĩa lý này xong, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả giảng nói đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.211. 0053a26). Tham chiếu: S. 35.117 - IV. 97.
[2] Nguyên tác: Ngũ dục công đức (五欲功德). Cụm từ này tương đương Pāli là pañca kāmaguṇa nghĩa là 5 loại dục. Do vận dụng nghĩa chưa thích hợp nên một số bản kinh chữ Hán đã dịch thành “ngũ dục công đức.” Ở đây, guṇa có nghĩa đầu tiên là công đức (功德), nhưng cũng mang nghĩa là chủng loại (種類). Đơn cử như diguṇa = nhị chủng (二重). Do vậy, “ngũ dục công đức” cần được hiểu là năm loại dục (五種欲). Ngài An Thế Cao đã sử dụng nghĩa này trong Lậu phân bố kinh 漏分布經 (T.01.
[3] . 0852c23). Tương tự, ngài Cưu-ma-la-thập cũng dùng nghĩa này trong Thiền pháp yếu giải 禪法要解 (T.15. 0616.1. 0286b21).
[4] Nguyên tác: Nhược nhãn diệt, sắc tưởng tắc ly (若眼滅, 色想則離). Tham chiếu: S. 35.117 - IV. 95: Cakkhu ca nirujjhati, rūpasaññā ca nirujjhati (Mắt đoạn diệt thì sắc tưởng cũng đoạn diệt).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.