Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 8

201. DỨT SẠCH PHIỀN NÃO[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, có vị Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên và thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Phải biết như thế nào, thấy như thế nào để tuần tự và mau chóng dứt sạch lậu hoặc?[2]

Bấy giờ, Thế Tôn nói với vị Tỳ-kheo kia:

Thầy hãy quán sát đúng như thật về vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Những pháp như sắc, nhãn thức, nhãn xúc[3] và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, hoặc cảm thọ không khổ không vui,[4] đều phải quán sát chúng là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng phải quán sát chúng là vô thường. Với pháp, ý thức, ý xúc[5] và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, hoặc cảm thọ không khổ không vui, đều phải quán sát đúng như thật chúng là vô thường. Này Tỳ-kheo! Thầy hãy biết đúng như thế và thấy đúng như thế thì lậu hoặc sẽ tuần tự được dứt sạch.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia nghe Phật dạy xong đã hoan hỷ đảnh lễ rồi lui ra.

(Kinh Tỳ-kheo hỏi Phật cũng tương tự như vậy, chỉ có sai biệt là thêm vào đoạn sau):

Phải biết như thế nào và thấy như thế nào để tuần tự dứt sạch tất cả kiết sử,[6] đoạn trừ tất cả trói buộc,[7] đoạn trừ tất cả tùy miên,43 đoạn trừ tất cả thượng phần phiền não,[8] đoạn trừ tất cả triền cái,[9] đoạn trừ các dòng,[10] đoạn trừ các chướng ngăn, đoạn trừ các chấp thủ, đoạn trừ các xúc, đoạn trừ các ngăn che, đoạn trừ các trói buộc, đoạn trừ các nhiễm ô, đoạn trừ các ái nhiễm, đoạn trừ các tâm ý, đoạn trừ các tà kiến khiến sanh khởi chánh kiến, đoạn trừ vô minh khiến minh sanh khởi?

Đức Phật bảo:

Này Tỳ-kheo! Như vậy, thầy hãy quán sát mắt là vô thường,... (cho đến) hãy biết đúng như vậy, thấy đúng như vậy sẽ tuần tự dứt sạch vô minh khiến minh sanh khởi.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia nghe Phật dạy xong đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.201. 0051c11). Tham chiếu: S. 35.53-59 - IV. 30-32.

[2] Nguyên tác: Lậu (漏, āsava).

[3] Nhãn xúc (眼觸, cakkhusamphassa): Xúc sanh từ nhãn thức. Sự xúc chạm của nhãn thức và các pháp hòa hợp (với nhãn thức) gọi là nhãn xúc.

[4] Tham chiếu cấu trúc S. 35.33 - IV. 27: Yampidaṁ manosamphassapaccayā uppajjati vedayitaṁ sukhaṁ vā dukkhaṁ vā adukkhamasukhaṁ (Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì? Lạc, khổ hay bất khổ bất lạc?), HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Ý xúc (意觸, manosamphasssa): Xúc sanh từ ý thức. Sự xúc chạm của ý thức và các pháp hòa hợp (với ý thức), gọi là “ý xúc.”

[6] Nguyên tác: Kiết (結, saṃyojana), gọi đủ là kiết sử.

[7] Nguyên tác: Phược (縛, bandhana): Phiền não trói buộc. 43 Nguyên tác: Sử (使, anusaya): Phiền não tùy miên.

[8] Nguyên tác: Thượng phiền não (上煩惱). Theo A. 10.13 - V. 17, đây có thể là 5 thượng phần kiết sử (pañcuddhambhāgiyāni saṃyojanāni): rūparāgo, arūparāgo, māno, uddhaccaṃ, avijjā (sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh), HT. Thích Minh Châu dịch.

[9] Nguyên tác: Kiết (結). Bản Hán có khả năng nhầm, vì chữ này bị lặp lại trong câu. Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.276. 0075b13): Các chủng loại phiền não được kể đến bao gồm: kiết, phược, sử, phiền não, thượng phiền não, triền (結, 縛, 使, 煩惱, 上煩惱, 纏). Theo mạch văn, “kiết” (結) ở đây có thể là “triền” (纏, nīvaraṇa). Theo A. 9.64 - IV. 457, có 5 triền cái (pañca nīvaraṇa), gồm: tham dục (kāmacchanda), sân hận (byāpāda), hôn trầm thụy miên (thinamiddha), trạo cử hối hận (uddhaccakukkucca) và nghi ngờ (vicikicchā).

[10] Nguyên tác: Lưu (流, oghā): Theo D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh phúng tụng): Cattāro oghā, kāmogho bhavogho diṭṭhogho avijjogho (Có 4 bộc lưu, gồm dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu), HT. Thích Minh Châu dịch.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.