Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 8

200. TUỆ GIẢI THOÁT THUẦN THỤC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

Lành thay, bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy vì con mà nói pháp. Sau khi nghe xong, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung. Sau khi một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung, con sẽ tư duy về lý do mà một người thiện nam cạo bỏ râu tóc, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, sống không gia đình, làm người học đạo, tu hành Phạm hạnh, để ngay trong hiện tại, tự mình chứng biết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Bấy giờ, Thế Tôn quán thấy tâm La-hầu-la tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa thể lãnh thọ pháp tăng thượng nên Ngài hỏi La-hầu-la:

Con đã từng giảng nói năm thủ uẩn cho người khác chưa?

La-hầu-la bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Con chưa từng giảng.

Phật bảo La-hầu-la:

Con nên giảng dạy về năm thủ uẩn cho người khác!

Khi ấy, La-hầu-la nghe lời Phật dạy xong, vào một lúc khác, Tôn giả đã giảng nói về năm thủ uẩn cho người khác nghe. Giảng xong, Tôn giả trở lại chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch Phật:

Kính bạch Thế Tôn! Con đã giảng nói về năm thủ uẩn cho người khác nghe. Cúi xin Thế Tôn vì con mà thuyết pháp! Sau khi nghe pháp, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung... (cho đến)[2] tự biết không còn tái sanh.

Bấy giờ, Thế Tôn quán sát thấy tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát chưa thuần, chưa thể nhận lãnh pháp tăng thượng nên Ngài hỏi La-hầu-la:

Con đã giảng nói sáu nhập xứ cho người khác chưa?

Tôn giả La-hầu-la đáp:

Kính bạch Thế Tôn! Con chưa từng giảng.

Phật bảo La-hầu-la:

Con nên giảng nói về sáu nhập xứ cho người khác nghe!

Vào một lúc khác, La-hầu-la lại giảng về sáu nhập xứ cho mọi người nghe. Sau khi giảng xong, Tôn giả đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên và thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Con đã giảng nói về sáu nhập xứ cho mọi người nghe. Cúi xin Thế Tôn vì con thuyết pháp! Sau khi nghe pháp, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Bấy giờ, Thế Tôn lại quán sát tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát vẫn chưa thuần thục, chưa thể nhận lãnh pháp tăng thượng nên Ngài hỏi La-hầu-la:

Con đã giảng nói pháp Ni-đà-na[3] cho mọi người nghe chưa?

La-hầu-la bạch Phật:

Kính bạch Thế Tôn! Con chưa từng giảng.

Phật bảo La-hầu-la:

Con nên giảng nói pháp Ni-đà-na cho mọi người nghe!

Thế rồi, vào một lúc khác, La-hầu-la lại giảng rộng về pháp Ni-đà-na cho mọi người nghe. Giảng xong, Tôn giả đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

Bạch Thế Tôn! Xin hãy vì con thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung... (cho đến)[4] tự biết không còn tái sanh.

Bấy giờ, Thế Tôn lại quán sát, biết tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát vẫn chưa thuần, chưa thể nhận lãnh pháp tăng thượng nên Ngài bảo La-hầu-la:

Con hãy một mình đến nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, quán sát nghĩa lý các pháp đã giảng nói ở trên.

Bấy giờ, La-hầu-la vâng lời Phật dạy, tư duy nhận định, quán sát nghĩa lý các pháp đã được nghe, các pháp đã giảng nói ở trên rồi suy nghĩ như vầy: “Tất cả pháp này đều thuận hướng Niết-bàn, xuôi vào Niết-bàn, cuối cùng an trụ vào Niết-bàn.”

Khi ấy, La-hầu-la đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

Kính bạch Thế Tôn! Con đã một mình ở nơi thanh vắng, tư duy nhận định, quán sát nghĩa lý đối với các pháp đã được nghe, các pháp đã được nói ở trên, cho nên thấy rõ tất cả pháp này đều thuận hướng Niết-bàn, xuôi vào Niết-bàn, cuối cùng an trụ vào Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn quán sát và biết tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát đã được thuần thục, có thể nhận lãnh pháp tăng thượng nên Ngài bảo La-hầu-la:

Này La-hầu-la! Tất cả đều vô thường. Những pháp gì là vô thường? Đó là mắt vô thường, hoặc sắc, nhãn thức, nhãn xúc...

(Nói đầy đủ về vô thường như ở các kinh trên).

Khi ấy, La-hầu-la nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, La-hầu-la vâng lời Phật dạy, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy, sống không buông lung, vì mục đích mà người thiện nam cạo bỏ râu tóc, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, sống không gia đình, làm người học đạo, tu hành Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình chứng biết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Tôn giả La-hầu-la thành bậc A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn.[5]

Đức Phật nói kinh này xong, La-hầu-la nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.200. 0051a15). Tham chiếu: M. 147, Cūlarāhulovāda Sutta (Tiểu kinh giáo giới La-hầu-la); S. 35.121 - IV. 105.

[2] Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung chi tiết ở đoạn kinh trên.

[3] Ni-đà-na (尼陀那, Nidāna), một trong 12 thể tài kinh điển, tức thể tài Nhân duyên, bao hàm ý nghĩa duyên khởi, nguyên do, khởi nguyên một vấn đề nào đó dẫn đến đề tài để Phật thuyết pháp hoặc chế định giới luật.

[4] Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ ở đoạn kinh trên.

[5] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.