Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Do thành tựu117 một pháp này cho nên không thể biết rõ sắc là vô thường; không thể biết rõ thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Do thành tựu một pháp nào? Đó là do thành tựu pháp tham dục cho nên không thể biết rõ sắc là vô thường; không thể biết rõ thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.
Nếu thành tựu một pháp này thì có thể biết rõ sắc là vô thường; biết rõ thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Là thành tựu một pháp nào? Đó là thành tựu pháp không tham dục. Thành tựu pháp không tham dục thì có thể biết rõ sắc là vô thường; biết rõ thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Như kinh trên nói về Thành tựu và không thành tựu, các kinh sau đây nói về Biết và không biết, Gần và không gần, Sáng và không sáng, Hiểu và không hiểu, Quan sát và không quan sát, Suy lường và không suy lường, Che giấu và không che giấu, Gieo trồng và không gieo trồng, Che lấp và không che lấp, Che mờ và không che mờ, nội dung cũng như vậy.
Như kinh nói về nghĩa Biết rõ, cũng vậy, những kinh nói về Nhận thức, Hiểu rõ, Chấp nhận, Mong cầu, Biện biệt, Tự chứng, cũng lại như vậy.
Như kinh nói về pháp Tham dục, các kinh sau đây nói về Giận, Si, Sân, Hận, Mắng chửi, Cố chấp, Ganh ghét, Keo kiệt, Giả dối, Dua nịnh, Không hổ, Không thẹn, Mạn, Mạn mạn, Tăng mạn, Ngã mạn, Tăng thượng mạn, Tà mạn, Ty mạn, Kiêu mạn, Buông lung, Kiêu căng, Cống cao, Xảo trá, Dò xét, Dụ dỗ, Ác lợi, Muốn nhiều, Muốn thường, Muốn không cung kính, Ác khẩu, Ác tri thức, Không nhẫn, Tham đắm, Tham thấp kém, Ác tham, Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Dục ái, Sân khuể, Thùy miên, Trạo cử, Nghi, Mê loạn, Ngả nghiêng, Gắng sức, Lười biếng, Loạn tưởng, Nhớ nghĩ, Bất chánh, Thân nhơ, Không ngay thẳng, Không nhu nhuyến, Không khác, Niệm tham dục, Niệm giận dữ, Niệm não hại người, Niệm nhớ nghĩ thân thích, Niệm nhớ nghĩ cõi nước, Niệm khinh thường người khác, Niệm ưa thích gia tộc người khác, Ưu buồn, khổ não, đối với mỗi một pháp này cũng trình bày đầy đủ như trên,... (cho đến) che mờ, không thể tác chứng sắc đoạn diệt.
Thế nào là một pháp? Đó là khổ não, do khổ não che mờ nên không thể tác chứng sắc đoạn diệt, không thể tác chứng thọ, tưởng, hành, thức đoạn diệt.
Nhờ một pháp không che mờ cho nên có thể tác chứng sắc đoạn diệt; có thể tác chứng thọ, tưởng, hành, thức đoạn diệt. Đó là nhờ thành tựu một pháp nào? Chính là khổ não, do pháp này không che mờ cho nên có thể tác chứng sắc đoạn diệt; có thể tác chứng thọ, tưởng, hành, thức đoạn diệt.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.118
Chú thích
116 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.187. 0048c27).
117 Nguyên tác: Thành tựu (成就). Trong trường hợp này mang nghĩa tiêu cực, nghĩa là sự đáp ứng, thỏa mãn.
118 Bản Hán, hết quyển 7.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.