Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 7

186. TU THIỀN CHỈ110

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu như có người bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo thì phải cứu thế nào?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Phải dốc lòng và nỗ lực tìm cách để dập tắt lửa.

– Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên, nhưng lửa dữ vô thường thì phải đoạn trừ sạch. Để đoạn trừ lửa vô thường cần phải tu tập thiền chỉ. Để đoạn trừ pháp vô thường nào mà phải tu tập thiền chỉ? Vì để đoạn trừ sắc vô thường nên phải tu tập thiền chỉ. Vì để đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên phải tu tập thiền chỉ...

(Nói đầy đủ như kinh trên, cho đến):111

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Như kinh nói về Đoạn trừ vô thường trên, các kinh nói về Quá khứ vô thường; Vị lai vô thường; Hiện tại vô thường; Quá khứ, vị lai vô thường; Quá khứ, hiện tại vô thường; Vị lai, hiện tại vô thường; Quá khứ, vị lai, hiện tại vô thường; tất cả có tám kinh cũng nói như trên.

Cũng như tám kinh nói cần phải tu tập thiền chỉ, tám kinh nói cần phải tu tập thiền quán cũng nói như trên.

Như vậy, kinh nói về nghĩa đoạn trừ có mười sáu kinh,112 cũng vậy, kinh nói về nghĩa Nên biết, Nên nhổ bỏ, Nên dứt sạch, Nên dừng lại, Nên buông xả, Nên diệt trừ, Nên ngưng nghỉ, mỗi thứ đều có mười sáu kinh cũng được nói đầy đủ như trên.

Những gì thuộc về sắc, hoặc ở quá khứ, hoặc ở tương lai, hoặc ngay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần; phải biết đúng như thật rằng tất cả những pháp ấy chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Bậc Thánh đệ tử đa văn chân chánh quán sát như vậy rồi sẽ sanh nhàm chán đối với sắc; sanh nhàm chán đối với thọ, tưởng, hành, thức. Khi đã nhàm chán rồi sẽ không còn ưa thích, vì không còn ưa thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Như kinh nói về Đoạn trừ vô thường, cũng vậy, các kinh nói về Dao động, Chuyển xoay, Bệnh tật, Phá hoại, Chóng vánh, Mục nát, Tán hoại, Không thường, Không an, Biến đổi, Khổ não, Tai họa, Yêu mị, Ma lực, Ma khí, Như bọt nước, Như bong bóng, Như cây chuối, Như huyễn, Như hóa, Yếu kém, Tham đắm, Đánh giết, Đao kiếm, Ganh ghét, Sát hại nhau, Tổn giảm, Suy hao, Trói buộc, Đánh đập, Nhọt độc, Ung thư, Gai nhọn, Phiền não, Trách phạt, Ngăn che, Chỗ tai họa, Buồn lo, Ác tri thức, Khổ, Không, Chẳng phải ngã, Chẳng phải ngã sở, Oan gia bủa vây, Phi nghĩa, Chẳng an ổn, Nóng bức, Không bóng mát, Không có hòn đảo, Không che chắn, Không nương tựa, Không bảo hộ, Pháp sanh, Pháp già, Pháp bệnh, Pháp chết, Pháp ưu buồn, Pháp khổ não, Pháp vô lực, Pháp yếu kém, Pháp không thể muốn, Pháp dẫn dụ, Pháp trưởng dưỡng, Có pháp khổ, Có pháp giết, Có pháp não, Có pháp nóng bức, Có pháp tướng, Có pháp suy, Có pháp thủ, Pháp thâm hiểm, Pháp khó khăn, Pháp bất chánh, Pháp hung bạo, Pháp có tham, Pháp có sân, Pháp có si, Pháp không trụ, Pháp đốt cháy, Pháp trở ngại, Pháp tai ương, Pháp tập, Pháp diệt, Pháp đống xương, Pháp cục thịt, Pháp cầm đuốc, Pháp hầm lửa, Như rắn độc, Như mộng, Như vay mượn,113 Như trái cây,114 Như đồ tể, Như kẻ giết người, Như sương dính, Như nước ngập, Như nước chảy xiết, Như sợi dệt, Như bánh xe đạp nước,115 Như nhảy sào, Như bình độc, Như thân cây độc, Như hoa độc, Như trái độc, Phiền não, nội dung cũng như vậy.

Như vậy, này các Tỳ-kheo!... (cho đến) vì để đoạn trừ quá khứ, vị lai, hiện tại vô thường... (cho đến) nên diệt trừ, nên ngưng nghỉ mà phải tu tập thiền chỉ và thiền quán.

Vì đoạn trừ những pháp quá khứ, vị lai, hiện tại vô thường nào... (cho đến) nên diệt trừ, nên ngưng nghỉ mà phải tu tập thiền chỉ và thiền quán? Vì đoạn trừ sắc quá khứ, vị lai, hiện tại vô thường... (cho đến) nên diệt trừ, nên ngưng nghỉ mà phải tu tập thiền chỉ và thiền quán. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Những gì thuộc về sắc, hoặc ở quá khứ, hoặc ở tương lai, hoặc ngay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, phải nên biết đúng như thật rằng tất cả những thứ ấy chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Bậc Thánh đệ tử đa văn chân chánh quán sát như vậy rồi sẽ sanh nhàm chán đối với sắc; sanh nhàm chán đối với thọ, tưởng, hành, thức. Khi đã nhàm chán rồi sẽ không còn ưa thích, vì không còn ưa thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành

***

Chú thích
110 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.186. 0048b04).
111 Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong kinh số 175; Tạp. 雜 (T.02. 0099.175. 0046a16).
112 Tức tu tập thiền chỉ và thiền quán trong 8 trường hợp. Xem chú thích 71, kinh số 173, quyển 7, tr. 199; Tạp. 雜 (T.02. 0099.173. 0045c20).
113 Nguyên tác: Giá (價). Bản Tống, Nguyên, Minh là chữ “giả” (假).
114 Bản Tống, Nguyên, Minh thay chữ “quả” (果) bằng chữ “quả” (菓).
115 Nguyên tác: Sa (沙). Bản Tống, Nguyên, Minh là chữ “thiệp” (涉).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.