Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 7

178. ĐOẠN TRỪ PHÁP BẤT THIỆN82

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu như có người bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo thì phải cứu bằng cách nào?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Phải dốc lòng và nỗ lực tìm cách để dập tắt lửa.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên, nhưng đối với lửa dữ vô thường phải nên đoạn trừ sạch. Để đoạn trừ lửa dữ vô thường thì cần phải phát khởi ước muốn tinh cần,83 nhiếp tâm84 khiến tăng thêm tinh tấn để đoạn trừ pháp ác, bất thiện đã sanh. Vì để đoạn những pháp vô thường nào mà phải phát khởi ước muốn tinh cần, nhiếp tâm khiến tăng thêm tinh tấn để đoạn trừ pháp ác, bất thiện đã sanh? Vì để đoạn trừ sắc vô thường, đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên phải khởi ước muốn tinh cần, nhiếp tâm khiến tăng thêm tinh tấn để đoạn trừ pháp ác, bất thiện đã sanh... (cho đến):85

Khi đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Như kinh Đoạn trừ vô thường trên, các kinh nói về Quá khứ vô thường; Vị lai vô thường; Hiện tại vô thường; Quá khứ, vị lai vô thường; Quá khứ, hiện tại vô thường; Vị lai, hiện tại vô thường; Quá khứ, vị lai, hiện tại vô thường; tất cả có tám kinh cũng nói như trên.

Như trường hợp vì để đoạn trừ các pháp ác, bất thiện đã sanh, cũng vậy, với trường hợp vì để các pháp ác, bất thiện chưa sanh thì khiến không sanh; các pháp thiện chưa sanh phải khiến sanh khởi; các pháp thiện đã sanh thì làm cho tăng trưởng thì nên phát khởi ước muốn tinh cần, nhiếp tâm tăng tiến; tất cả có tám kinh cũng được nói như trên.

Như vậy, kinh nói về Đoạn trừ vô thường tổng cộng có ba mươi hai kinh, cũng vậy, kinh nói về nghĩa Nên biết, Nên nhổ bỏ, Nên dứt sạch, Nên dừng lại, Nên buông xả, Nên diệt trừ, Nên ngưng nghỉ, mỗi thứ đều có ba mươi hai kinh được nói rộng như trên.

***

Chú thích
82 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.178. 0046c10).
83 Nguyên tác: Khởi dục tinh cần (起欲精勤). Tham chiếu: S. 48.9 - V. 196: Daḷhaparakkamo (sự nỗ lực mạnh mẽ).
84 Nguyên tác: Nhiếp tâm (攝心). Tham chiếu: S. 48.9 - V. 196, “nhiếp tâm” (攝心) ở đây tương đương Pāli là anikkhittadhuro, nghĩa là không từ bỏ bổn phận.
85 Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ tại kinh số 175; Tạp. 雜 (T.02. 0099.175. 0046a16). 0046a16).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.