Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vì đoạn trừ pháp vô thường nên thỉnh cầu Đại sư. Những pháp nào là vô thường? Sắc là pháp vô thường. Vì để đoạn trừ pháp ấy thì phải thỉnh cầu Đại sư. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Giống như trong kinh Quá khứ vô thường,73 cũng vậy, các kinh nói về Quá khứ; Vị lai; Hiện tại; Quá khứ, vị lai; Quá khứ, hiện tại; Vị lai, hiện tại; Quá khứ, vị lai, hiện tại; tổng cộng có tám kinh đều nên thỉnh cầu Đại sư.
Giống như kinh Thỉnh cầu Đại sư,74 cũng vậy, các kinh Bậc tùy thuận chỉ dạy, Bậc an lạc, Bậc an lạc lớn, Bậc an lạc rộng khắp, Bậc dẫn đường, Bậc dẫn đường thông thạo, Bậc dẫn đường rốt ráo, Bậc thuyết giảng, Bậc thuyết giảng rộng rãi, Bậc thuyết giảng tùy thuận, Người bạn thứ hai, Bậc tri thức chân chánh, Người tán thành, Người thương xót, Người cứu giúp, Người trọng nghĩa, Người khuyên giải, Người an lạc, Người đáng tiếp xúc, Người thích an định, Người có hoài bão, Người tinh tấn, Người có phương tiện rộng rãi, Người có phương tiện khéo léo, Người kiên cố, Người mạnh mẽ, Người tráng kiện, Người thân tâm dũng mãnh, Người nhiếp thọ khó điều phục, Người thường học, Không buông lung, Người tu tập, Người tư duy, Người nhớ nghĩ, Người tỉnh giác, Người hiểu biết, Người sáng suốt, Người biện giải, Người suy xét, Người Phạm hạnh, Người được như ý túc, Người được niệm xứ, Người được chánh cần, Người được năm căn, Người được năm lực, Người được bảy giác chi, Người được đạo, Người được pháp chỉ, Người được pháp quán, Người được niệm thân, Người nghĩ nhớ chân chánh... mỗi loại có tám kinh75 cũng được nói như trên.
Giống như kinh nói về Ý nghĩa đoạn trừ, các kinh nói về Ý nghĩa rõ biết, Ý nghĩa dứt sạch, Ý nghĩa nhổ bỏ, Ý nghĩa dừng lại, Ý nghĩa buông xả, cũng nói như vậy.
***
Chú thích
72 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.174. 0045c29).
73 Tức là kinh số 173; Tạp. 雜 (T.02. 0099.173. 0045c20). Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經 論會編 (Y.32. 0030.7. 0514a05) bổ sung 4 chữ 如無常法.
74 Tức là kinh số 174; Tạp. 雜 (T.02. 0099.174. 0045c29).
75 Tức là đối với mỗi đối tượng tầm cầu tu học trong 7 chiều thời gian ở 3 đời, cùng với tính chất chung là vô thường, cộng lại thành 8. Xem chú thích 71 ở trang trước.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.