Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Do có cái gì, sanh khởi cái gì, ràng buộc bởi cái gì, dính mắc bởi cái gì, chấp ngã nơi cái gì để khiến cho chúng sanh khởi lên cái thấy như vầy và nói như vầy: “‘Ở đây có một triệu bốn trăm ngàn (1.400.000) cửa thọ sanh, lại có thêm sáu mươi ngàn sáu trăm (60.600) cửa thọ sanh khác, lại có năm loại nghiệp,[2] lại có ba nghiệp, lại có hai nghiệp, lại có một nghiệp, lại có nửa nghiệp, lại có sáu mươi hai con đường hành đạo, lại có sáu mươi hai nội kiếp,[3] lại có một trăm hai mươi (120) cảnh địa ngục, một trăm ba mươi căn, ba mươi sáu cõi tham,[4] bốn mươi chín ngàn (49.000) loài rồng, bốn mươi chín ngàn (49.000) loài chim cánh vàng, bốn mươi chín ngàn (49.000) hạng ngoại đạo tà mạng, bốn mươi chín ngàn (49.000) hạng ngoại đạo xuất gia, bảy kiếp có tưởng, bảy kiếp vô tưởng, bảy loài a-tu-la, bảy loài tỳ-xá-giá, bảy loài trời, bảy loài người, bảy trăm biển lớn, bảy loại mộng, bảy trăm loại mộng, bảy vực thẳm, bảy trăm vực thẳm, bảy loại tỉnh thức, bảy trăm loại tỉnh thức, sáu loại chúng sanh,[5] mười loại tăng tiến, tám giai đoạn của đời người.[6] Ở trong tám vạn bốn ngàn (84.000) đại kiếp này, hoặc là người ngu, hoặc là người trí, sau khi lưu chuyển luân hồi rồi mới hoàn toàn vượt thoát khổ đau.’ Trong đó không có Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như vầy: ‘Tôi luôn giữ giới, thực hành khổ hạnh, tu các Phạm hạnh để những nghiệp chưa thuần thục được thuần thục, những nghiệp đã thuần thục rồi thì buông xả.’ Sự tiến lên hay giảm thiểu là không thể biết được. Sự khổ và vui này là thường trụ, sanh tử vốn có giới hạn nhất định. Giống như một ống chỉ được tung lên hư không, dần dần rơi xuống, chạm đất thì tự dừng. Cũng vậy, trong tám vạn bốn ngàn đại kiếp, sự sống chết vốn có giới hạn nhất định cũng giống như vậy”?[7]
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp... Nói đầy đủ như ba bài kinh 139, 140, 141 ở trên.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.163. 0044c12). Tham chiếu: Sa-môn quả kinh 沙 門果經 (T.01. 0001.27. 0107a20); Tịch chí quả kinh 寂志果經 (T.01. 0022. 0270c27); Tạp. 雜 (T.02. 0099.161. 0044b16); Tăng. 增 (T.02. 0125.43.7. 0762a07); D. 2, Sāmaññaphala Sutta (Kinh Sa-môn quả); S. 24.8 - III. 211.
[2] Tham chiếu: D. 2, Sāmaññaphala Sutta (Kinh Sa-môn quả): Pañca ca kammuno satāni pañca ca kammāni (Có 500 loại nghiệp và có 5 nghiệp (theo 5 căn)), HT. Thích Minh Châu dịch.
[3] Nội kiếp (內劫, antarakappa): Kiếp trung gian, trung kiếp.
[4] Nguyên tác: Tham giới (貪界). P. rāga dhātuyo. Tham chiếu Pāli: Chattiṃsa rajodhātuyo (36 cõi vi trần).
[5] Nguyên tác: Lục sanh (六生): Makkhali Gosāla chia ra có 6 hạng người. Theo Chú giải Kinh Sa môn quả (Sāmaññaphalasuttavaṇṇanā), 6 hạng người đó là: (i) Hạng đen (kaṇhābhijāti): Làm nghề đồ tể, thợ săn; (ii) Hạng xanh (nīlābhijāti) chỉ cho các vị Tỳ-kheo; (iii) Hạng đỏ (lohitābhijāti): Các vị tu khổ hạnh của Nigaṇṭha; (iv) Hạng vàng (haliddābhijāti): Tín đồ của phái lõa thể; (v) Hạng trắng (sukkābhijāti): Là những du sĩ lõa thể (ājīvaka); (vi) Hạng cực trắng (paramasukkābhijātīti) chỉ cho Makkhali Gosāla và các vị Tổ sư của ông ta như Nanda Vaccha, Kisa Saṅkicca.
[6] Nguyên tác: Bát đại sĩ địa (八大士地, Aṭṭha purisabhūmiyo): Tám giai đoạn của đời người. Theo Chú giải Kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphalasuttavaṇṇanā), 8 thời kỳ đó gồm thời ngu tối (mandabhūmi), thời vui chơi (khiḍḍābhūmi), thời tập đi (padavīmaṃsabhūmi), thời đứng thẳng (ujugatabhūmi), thời học tập (sekkhabhūmi), thời Sa-môn (samaṇabhūmi), thời chinh phục (jinabhūmi) và thời lụi tàn (pannabhūmi). 46 Một phần trong những chủ trương “Cực đoan định mệnh luận” (Niyativāda) của Makkhali Gosāla.
[7] Một phần trong những chủ trương “Cực đoan định mệnh luận” (Niyativāda) của Makkhali Gosāla.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.