Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại núi Ma-câu-la, có Tỳ-kheo tên là La-đà làm thị giả. Bấy giờ, có số đông tu sĩ ngoại đạo đi đến chỗ Tôn giả La-đà, chào hỏi nhau xong, họ ngồi sang một bên và hỏi Tôn giả La-đà:
– Vì lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu Phạm hạnh?
Tôn giả La-đà đáp:
– Vì muốn dứt sạch tham, sân, si đối với sắc để được ly dục, tịch diệt, vắng lặng, ngưng nghỉ;[2] vì muốn dứt sạch tham, sân, si đối với thọ, tưởng, hành,
thức uẩn để được ly dục, tịch diệt, vắng lặng và ngưng nghỉ nên tôi theo Như Lai xuất gia tu Phạm hạnh.
Các tu sĩ ngoại đạo nghe Tôn giả La-đà nói như vậy thì trong lòng không vui, liền đứng dậy trách mắng rồi bỏ đi.
Chiều hôm ấy, sau khi xuất thiền, Tôn giả La-đà đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân đức Phật rồi lui ngồi một bên, sau đó đem đầy đủ sự việc trên trình lên Phật và bạch:
– Kính bạch Thế Tôn! Con trả lời như vậy là không phỉ báng Thế Tôn chăng? Có nói đúng như Ngài đã nói chăng?[3] Có nói đúng theo pháp và thứ lớp của giáo pháp chăng?[4]
Phật nói với Tôn giả La-đà:
– Những lời thầy nói là đúng sự thật, không phỉ báng Như Lai, cũng không bị người khác nghi ngờ và chất vấn khiến rơi vào bế tắc, thầy đã nói đúng như Ta nói, nói đúng theo pháp và thứ lớp của giáo pháp. Sở dĩ vì sao? Vì muốn dứt sạch tham, sân, si đối với sắc để được ly dục, tịch diệt, vắng lặng và ngưng nghỉ; vì muốn dứt sạch tham, sân, si đối với thọ, tưởng, hành, thức uẩn để được ly dục, tịch diệt, vắng lặng và ngưng nghỉ nên thầy theo Như Lai xuất gia tu Phạm hạnh.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-đà nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.118. 0039a16).
[2] Nguyên tác: Ly dục, diệt, tịch, một (離欲, 滅, 寂, 沒). Xem chú thích 9, kinh số 35, quyển 2, tr. 34; Tạp. 雜 (T.02. 0099.35. 0008a05).
[3] Nguyên tác: Như thuyết thuyết (如說說). Tạp. 雜 (T.02. 0099.106. 0032c29) gọi là “như Như Lai thuyết” (如如來說).
[4] Nguyên tác: Pháp, thứ pháp (法, 次法, dhammānudhamma). Xem chú thích 68, kinh số 27, quyển 1, tr. 24; Tạp. 雜 (T.02. 0099.27. 0005c20).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.