Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 6

 

112. ĐOẠN TRI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại núi Ma-câu-la.

Bấy giờ, sau thời tọa thiền buổi chiều, Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn có nói đến sự đoạn tri[2] đối với sắc; đoạn tri đối với thọ, tưởng, hành, thức. Thưa Thế Tôn! Thế nào là sự đoạn tri đối với sắc? Thế nào là đoạn tri đối với thọ, tưởng, hành, thức?

Phật nói với Tỳ-kheo La-đà:

– Hay thay, câu hỏi của thầy! Như Lai sẽ vì thầy mà giảng nói. Nghĩa là sự lo, buồn, khổ, não đối với sắc đã dứt sạch, đã lìa dục, tịch diệt, vắng lặng và ngưng nghỉ,[3] đó gọi là sự đoạn tri đối với sắc; sự lo, buồn, khổ, não đối với thọ, tưởng, hành, thức đã dứt sạch, đã lìa dục, tịch diệt, vắng lặng và ngưng nghỉ, đó gọi là sự đoạn tri đối với thọ, tưởng, hành, thức.

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.112. 0037c24). Tham chiếu: S. 23.4 - III. 191.

[2] Đoạn tri (斷知, pariññeyya): Nhờ buông xả và cắt đứt nên được liễu tri, chỉ cho sự đoạn trừ phiền não do nhận thức toàn diện về bốn Thánh đế.

[3] Nguyên tác: Tận, ly dục, diệt, tức, một (盡, 離欲, 滅, 息, 沒). Thành cú. Tham chiếu: Phân biệt lục giới kinh 分別六界經 (T.01. 0026.162. 0692a18): Tận, vô dục, diệt, tức, chỉ (盡, 無欲, 滅, 息, 止).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.