Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại núi Ma-câu-la.
Bấy giờ, Tỳ-kheo thị giả tên La-đà đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa rằng:
– Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin hãy vì con lược nói pháp trọng yếu để sau khi nghe pháp, con có thể một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy, sống không buông lung với mục đích mà một người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác y hoại sắc, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, xuất gia học đạo, nỗ lực tinh tấn, tu hành Phạm hạnh, ngay trong hiện đời tự biết, tự ngộ: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo La-đà:
– Lành thay, La-đà có thể ở trước Như Lai hỏi về ý nghĩa này! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho thầy nghe. La-đà! Nên biết về hữu thân,[2] sự tập khởi của hữu thân, sự diệt tận của hữu thân và con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.
Thế nào là hữu thân? Đó là năm thủ uẩn:[3] Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn.
Thế nào là sự tập khởi của hữu thân? Chính là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia, đó gọi là sự tập khởi của hữu thân.
Thế nào là sự diệt tận của hữu thân? Nghĩa là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia đã được trừ sạch hoàn toàn, đã xả ly, đã nhổ bỏ, đã diệt sạch, ly dục, tịch diệt, vắng lặng, đó gọi là sự diệt tận của hữu thân.
Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là Thánh đạo tám chi phần, gồm chánh kiến, chánh tư duy,[4] chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,[5] chánh niệm và chánh định, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.
Đối với hữu thân nên biết, đối với sự tập khởi của hữu thân nên đoạn, đối với sự diệt tận của hữu thân nên chứng, đối với con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân nên tu.
Này La-đà! Nếu vị Thánh đệ tử đa văn đối với hữu thân đã biết, đã đoạn; đối với sự tập khởi của hữu thân đã biết, đã đoạn; đối với sự diệt tận của hữu thân đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của hữa thân đã biết, đã tu, thì này La-đà, đó gọi là đoạn ái, lìa ái, chuyển hóa phiền não, diệt sạch ngã mạn,[6] vượt thoát khổ đau.[7]
Sau khi nghe đức Phật dạy, Tỳ-kheo La-đà hoan hỷ phụng hành rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ lui ra.
Được Thế Tôn truyền dạy như vậy rồi, Tỳ-kheo La-đà một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tư duy về mục đích mà một người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác y hoại sắc, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, xuất gia học đạo, nỗ lực tinh tấn, tu hành Phạm hạnh, ngay trong hiện đời tự biết, tự ngộ: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Thế rồi, Tỳ-kheo La-đà thành A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn.[8]
Đức Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.123. 0040a19). Tham chiếu: S. 23.9 - III. 193; S. 23.10 - III. 194.
[2] Hữu thân (有身, sakkāya).
[3] Nguyên tác: Ngũ thọ ấm (五受陰), cách dịch mới là “ngũ thủ uẩn” (五取蘊).
[4] Nguyên tác: Chánh chí (正志).
[5] Nguyên tác: Chánh phương tiện (正方便).
[6] Nguyên tác: Chỉ mạn vô gián đẳng (止慢無間等, sammā mānābhisamayā).
[7] Nguyên tác: Cứu cánh khổ biên (究竟苦邊, antamakāsi dukkhassa).
[8] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.