Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại núi Ma-câu-la.
Bấy giờ, Tỳ-kheo thị giả tên La-đà bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn! Nói về chúng sanh, vì sao gọi là chúng sanh?
Phật bảo Tỳ-kheo La-đà:
– Nhiễm trước, dính mắc đối với sắc, đó gọi là chúng sanh. Nhiễm trước, dính mắc đối với thọ, tưởng, hành, thức, đó gọi là chúng sanh.
Rồi đức Phật lại bảo Tỳ-kheo La-đà:
– Ta nói rằng, đối với cảnh giới của sắc, hãy hủy hoại, hãy tiêu diệt; đối với cảnh giới của thọ, tưởng, hành, thức, hãy hủy hoại, hãy tiêu diệt và đoạn trừ ái dục. Một khi ái dục được đoạn trừ sạch thì khổ đau chấm dứt và khi khổ đau chấm dứt thì Ta gọi đó là vượt thoát khổ đau.
Ví như ở trong làng có các bé trai, bé gái cùng nhau nô đùa, chúng dùng đất cát làm nhà cửa, thành quách, rồi tâm của chúng ưa thích, gắn chặt vào đó. Khi lòng ưa thích chưa hết, ham thích chưa hết, nhớ tưởng chưa hết, khát khao chưa hết thì tâm vẫn còn ưa thích, giữ gìn, cho rằng “thành quách của mình, nhà cửa của mình.” Nếu đối với đống đất kia mà bọn trẻ không còn ưa thích nữa, đã hết ham thích, đã hết nhớ nghĩ, đã hết khát khao thì chúng sẽ dùng tay chân phủi đạp khiến tất cả tiêu tan.
Cũng vậy, này La-đà! Đối với sắc thì hãy hủy hoại, tiêu diệt, không còn ái dục. Một khi ái dục được đoạn trừ sạch thì khổ đau chấm dứt và khi khổ đau chấm dứt thì Ta gọi đó là vượt thoát khổ đau.
Đức Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.122. 0040a04). Tham chiếu: S. 23.2 - III. 189.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.