Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 6

 

111. HỮU LƯU[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại núi Ma-câu-la.[2]

Bấy giờ, sau thời tọa thiền buổi chiều, Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[3] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn có nói về hữu lưu.[4] Vậy thế nào là hữu lưu? Thế nào là hữu lưu diệt tận?

Phật nói với Tỳ-kheo La-đà:

– Hay thay, câu hỏi của thầy! Như Lai sẽ vì thầy mà giảng nói. Hữu lưu ở đây có nghĩa là nói đến hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, không biết đúng như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, vị ngọt của sắc và sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên đối với sắc liền khởi tâm yêu thích, khen ngợi, chấp thủ, đắm trước. Vì yêu thích sắc nên chấp thủ, do chấp thủ nên có hữu, do hữu nên có sanh, do sanh nên có già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não tăng trưởng. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn liền tập khởi. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là hữu lưu. 

 Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc và sự xuất ly sắc. Khi đã biết như thật rồi thì không còn khởi tâm yêu thích, khen ngợi, chấp thủ, đắm trước vào sắc kia. Nhờ không yêu thích, khen ngợi, chấp thủ, đắm trước vào sắc nên sắc ái diệt tận; do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não hết thảy đều diệt. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn được diệt tận. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy. Đó gọi là hữu lưu và hữu lưu diệt tận mà Như Lai đã nói.

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.111. 0037c06). Tham chiếu: S. 23.3 - III. 190.

[2] Ma-câu-la sơn (摩拘羅山, Makulapabbata). Theo Sử liệu bảo tháp (Thūpavaṃsa), đây là ngọn núi ở thành Vương Xá (Rājagaha). Theo Tăng. 增 (T.02. 0125.38.7. 0723a08); Tăng-già-la-sát sở tập kinh 僧伽羅剎所集經 (T.04. 0194.3. 0144b04); M. 116, Isigili Sutta (Kinh Thôn Tiên); DPPN xác định rằng, sinh quán của Tôn giả Rādha ở thành Vương Xá (Rājagaha), điều này bổ chính núi Ma-câu-la là một trong những ngọn núi ở thành Vương Xá.

[3] La-đà (羅陀, Rādha).

[4] Hữu lưu (有流, bhava ogha): Đó là 3 hữu, gồm dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Hữu lưu là một trong 4 lưu. Xem định nghĩa về “tứ lưu” tại Tăng. 增 (T.02. 0125.31.9. 0672b19-c04).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.