Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

QUYỂN 5

 

109. THẤY ĐƯỢC THÁNH ĐẾ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ví như có một hồ nước vuông vức năm mươi do-tuần, chiều sâu cũng như thế, nước trong hồ tràn đầy. Có người dùng một sợi lông, hoặc cọng cỏ, hay móng tay để lấy một chút nước. Này các Tỳ-kheo! Ý các thầy nghĩ sao? Nước được người kia trích lấy nhiều hay nước trong hồ nhiều?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Nước được người kia dùng sợi lông, hoặc cọng cỏ, hoặc móng tay để trích lấy rất ít, không đáng kể gì; còn nước trong hồ nhiều gấp trăm, ngàn, vạn lần, không thể so sánh được.

– Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Các khổ được đoạn trừ nhờ thấy rõ Thánh đế[2] cũng như nước ở trong hồ kia, ở đời vị lai vĩnh viễn không còn tái sanh.

Bấy giờ, sau khi nói pháp này xong thì Thế Tôn vào thất tọa thiền. Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi trong chúng, khi thấy Thế Tôn đã vào thất rồi liền nói với các Tỳ-kheo:

– Hôm nay, Thế Tôn khéo nói ví dụ về hồ nước, quả thật chưa từng được nghe! Vì sao như thế? Vì vị Thánh đệ tử nếu thấy Thánh đế một cách trọn vẹn sẽ chứng ngộ quả Thánh.[3]

Trong nhận thức tà vạy của hàng phàm phu thì thân kiến là căn bản,[4] sự tập khởi của thân kiến, sự hình thành của thân kiến và sự sanh khởi của thân kiến. Nghĩa là che đậy sự thật buồn lo, gìn giữ, quý trọng, vui mừng và cho đó là ngã, là chúng sanh, là điều đặc biệt để rồi khởi lên kiêu mạn. Những nhận thức tà vạy như thế đều bị trừ diệt hoàn toàn, được đoạn tận gốc rễ, như cây đa-la bị chặt đứt ngọn thì ở đời vị lai sẽ không còn tái sanh.

Này các Tỳ-kheo! Những gì là nhận thức tà vạy nêu trên bị đoạn trừ khi vị Thánh đệ tử thấy được Thánh đế thì ở đời vị lai vĩnh viễn không còn sanh khởi nữa?

Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết nên thấy sắc là ngã, là khác ngã, ngã ở trong sắc hay sắc ở trong ngã; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, ngã ở trong thọ, tưởng, hành, thức hay thọ, tưởng, hành, thức ở trong ngã.

Thế nào gọi là thấy “sắc tức là ngã”? Do thành tựu thiền định biến xứ về đất,[5] sau khi quán sát liền suy nghĩ như vầy: “Đất tức là ngã, ngã tức là đất, ngã và đất chỉ một không hai, không sai khác, không phân biệt.” Cũng như vậy, đối với định biến xứ về nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, sau khi quán sát liền suy nghĩ như vầy: “Trắng[6] tức là ngã, ngã tức là trắng, chỉ một không hai, không sai khác, không phân biệt.” Như vậy đối với các biến xứ, mỗi mỗi đều chấp là ngã; đó gọi là “sắc tức là ngã.”

Thế nào gọi là thấy “sắc khác ngã”? Nếu người kia thấy thọ là ngã, thấy thọ là ngã rồi thì thấy sắc là ngã sở. Hoặc thấy tưởng, hành, thức là ngã thì thấy sắc là ngã sở; đó gọi là “sắc khác ngã.”[7]

Thế nào gọi là thấy “sắc ở trong ngã”? Nghĩa là thấy thọ tức là ngã thì sắc ở trong ngã; lại thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì sắc ở trong ngã; đó gọi là “sắc ở trong ngã.”[8]

Thế nào gọi là thấy “ngã ở trong sắc”? Nghĩa là thấy thọ tức là ngã, trụ ở trong sắc, nhập vào trong sắc, biến khắp toàn thân; hoặc thấy tưởng, hành, thức là ngã, trụ ở trong sắc, biến khắp thân thể; đó gọi là “ngã ở trong sắc.”

Thế nào gọi là thấy “thọ tức là ngã”? Là sáu thọ thân, gồm mắt tiếp xúc sanh ra thọ; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ; sáu thọ thân này mỗi mỗi thấy là ngã;[9] đó gọi là “thọ tức là ngã.”

Thế nào gọi là thấy “thọ khác ngã”? Nghĩa là thấy sắc là ngã thì thọ là ngã sở; thấy tưởng, hành, thức là ngã thì thọ là ngã sở; đó gọi là “thọ khác ngã.”

Thế nào gọi là thấy “thọ ở trong ngã”? Nếu sắc là ngã thì thọ ở trong ngã; nếu tưởng, hành, thức là ngã thì thọ ở trong ngã; đó gọi là “thọ ở trong ngã.”[10]

Thế nào gọi là thấy “ngã ở trong thọ”? Sắc là ngã, trụ ở trong thọ, biến khắp toàn thân; tưởng, hành, thức là ngã, trụ ở trong thọ, biến khắp toàn thân; đó gọi là “ngã ở trong thọ.”

Thế nào gọi là thấy “tưởng tức là ngã”? Nghĩa là sáu tưởng thân, gồm mắt tiếp xúc sanh ra tưởng; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Sáu tưởng thân này mỗi mỗi đều thấy là ngã; đó gọi là “tưởng tức là ngã.”

Thế nào gọi là thấy “tưởng khác ngã”? Nghĩa là thấy sắc là ngã thì tưởng là ngã sở; thấy thọ, hành, thức là ngã[11] thì tưởng là ngã sở; đó gọi là “tưởng khác ngã.”

Thế nào gọi là thấy “tưởng ở trong ngã”? Sắc là ngã thì tưởng trụ ở trong đó; thọ, hành, thức là ngã thì tưởng trụ ở trong đó; đó gọi là “tưởng ở trong ngã.”[12]

Thế nào gọi là thấy “ngã ở trong tưởng”? Sắc là ngã, trụ ở trong tưởng, biến khắp toàn thân; thọ, hành, thức là ngã, trụ ở trong tưởng, biến khắp toàn thân;[13] đó gọi là “ngã ở trong tưởng.”

Thế nào gọi là thấy “hành tức là ngã”? Sáu tư thân, gồm mắt tiếp xúc sanh ra tư; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Sáu tư thân này mỗi mỗi đều thấy là ngã; đó gọi là “hành tức là ngã.”

Thế nào gọi là thấy “hành khác ngã”? Sắc là ngã thì hành là ngã sở; thọ, tưởng, thức là ngã thì hành là ngã sở; đó gọi là “hành khác ngã.”

Thế nào gọi là thấy “hành ở trong ngã”? Nếu sắc là ngã thì hành trụ trong đó; thọ, tưởng, thức là ngã[14] thì hành trụ trong đó; gọi là “hành ở trong ngã.”

Thế nào gọi là thấy “ngã ở trong hành”? Sắc là ngã, trụ ở trong hành, biến khắp toàn thân; thọ, tưởng, thức là ngã, trụ ở trong hành, biến khắp toàn thân; đó gọi là “ngã ở trong hành.”

Thế nào gọi là thấy “thức tức là ngã”? Sáu thức thân, gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức; sáu thức thân này mỗi mỗi đều thấy là ngã; đó gọi là “thức tức là ngã.”

Thế nào gọi là thấy “thức khác ngã”? Nếu thấy sắc là ngã thì thức là ngã sở; thấy thọ, tưởng, hành là ngã thì thức là ngã sở; đó gọi là “thức khác ngã.”

Thế nào gọi là thấy “thức ở trong ngã”? Sắc là ngã, thức trụ ở trong ngã; thọ, tưởng, hành là ngã, thức trụ trong ngã; đó gọi là “thức ở trong ngã.”

Thế nào gọi là thấy “ngã ở trong thức”? Sắc là ngã, trụ ở trong thức, biến khắp toàn thân; thọ, tưởng, hành là ngã, trụ ở trong thức, biến khắp toàn thân; đó gọi là “ngã ở trong thức.”

Như vậy, vị Thánh đệ tử thấy được bốn sự thật, chứng đắc quả Thánh, đoạn trừ tất cả nhận thức tà vạy, ở đời vị lai vĩnh viễn không thể sanh khởi trở lại.

Những gì thuộc về sắc, hoặc ở quá khứ, hoặc ở tương lai, hoặc ngay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần hợp thành một khối thì nên quán sát như vầy: “Tất cả đều vô thường, tất cả đều khổ, tất cả đều không, tất cả đều chẳng có ngã; không nên ưa thích, chấp thủ, giữ gìn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy; không nên ưa thích, chấp thủ, giữ gìn.” Quán sát như vậy, khéo buộc tâm an trụ, không mê lầm đối với pháp. Lại tinh tấn quán sát, xa lìa biếng nhác, tâm được hỷ lạc, thân tâm khinh an, tịch tĩnh, an trú với xả; đầy đủ đạo phẩm, tu hành viên mãn, vĩnh viễn xa lìa các điều ác, tất cả đều tiêu tán, tất cả đều vắng lặng. Vắng lặng rồi thì không khởi nữa, đã giảm rồi thì không tăng nữa, đoạn trừ rồi thì không chấp thủ,[15] không đắm trước, tự mình chứng ngộ Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp này, sáu mươi Tỳ-kheo không khởi lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Đức Phật thuyết kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.109. 0034a24). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.891. 0224b11); S. 13.2 - II. 133.

[2] Nguyên tác: Kiến đế (見諦).

[3] Nguyên tác: Đắc vô gián đẳng quả (得無間等果), chỉ cho việc tỏ ngộ hoàn toàn bốn Thánh đế rồi ngay đó chứng đắc quả vị Dự lưu.

[4] Thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi): Chấp thân là thật ngã.

[5] Nguyên tác: Địa nhất thiết nhập xứ chánh thọ (地一切入處正受): Biến xứ định về đất, tức lấy đất làm đối tượng để tu tập thiền chỉ. Theo Thanh tịnh đạo luận 清淨道論 (N.67. 0035.03. 0189a03) 10 biến xứ định (tức 10 đề mục thiền) gồm đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và ánh sáng.

[6] Nguyên tác: Hành (行). Căn cứ vào bản Nguyên và nghĩa của kinh nên Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0198a13) sửa lại là “bạch” (白): 白即是我, 我即是白.

[7] Bổ sung 是名色異我 dựa theo Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0198a15).

[8] Bổ sung 是名我中色 dựa theo Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a01).

[9] Bản Nguyên có thêm 3 chữ 我是受, Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a04) căn cứ vào bản Tống biên tập cắt bỏ 3 chữ này.

[10] Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a06) căn cứ bản Tống để bổ sung 是謂我中受.

[11] Bản Nguyên thiếu “thọ hành” (受行), Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a08) căn cứ bản Tống để bổ sung.

[12] Bản Nguyên thiếu “thị vị ngã trung tưởng” (是謂我中想), Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經 論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a10) căn cứ bản Tống để bổ sung.

[13] Bản Nguyên thiếu 14 chữ “thọ hành thức thị ngã ư tưởng trung trụ châu biến kỳ tứ thể” (受行識是 我於想中住周遍其四體), Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a10) căn cứ bản Tống để bổ sung.

[14] Bản Nguyên dư chữ “hành” (行), Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0199a13) căn cứ vào bản Tống biên tập cắt bỏ.

[15] Bản Nguyên dư chữ “bất sanh” (不生), Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.30. 0030.177. 0200a09) căn cứ vào bản Tống biên tập cắt bỏ.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.