Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

QUYỂN 5

 

108. ĐIỀU PHỤC DỤC THAM[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại làng Thiên Hiện của dòng họ Thích.[2]

Khi đó, số đông Tỳ-kheo người vùng Tây Ấn[3] muốn trở về Tây Ấn an cư nên đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn vì họ thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[4] Sau khi đã được mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ rồi, các Tỳ-kheo người vùng Tây Ấn từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật

: – Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo chúng con ở vùng Tây Ấn, nay muốn trở về Tây Ấn an cư nên nay kính xin từ giã.

Đức Phật bảo:

– Các thầy đã từ giã Xá-lợi-phất chưa?

Các Tỳ-kheo đáp:

– Thưa chưa, bạch Thế Tôn!

Đức Phật bảo:

– Xá-lợi-phất chuyên tu Phạm hạnh, các thầy hãy đến từ giã! Tôn giả ấy có thể giúp các thầy thường được lợi ích, an lạc.

Các Tỳ-kheo vùng Tây Ấn từ tạ đức Phật rồi lui ra. Lúc ấy, Tôn giả Xálợi-phất đang ngồi bên cội cây Kiên Cố[5] cách chỗ Phật không xa, các Tỳ-kheo vùng Tây Ấn liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Chúng con muốn trở về vùng Tây Ấn an cư, nay đến đây xin từ giã Tôn giả!

Xá-lợi-phất hỏi:

– Các thầy từ giã Thế Tôn chưa?

Các Tỳ-kheo đáp:

– Đã từ giã rồi, thưa Tôn giả! Xá-lợi-phất nói:

– Các thầy trở về vùng Tây Ấn, mỗi quốc độ khác nhau, các chúng hội khác nhau thì nhất định sẽ có người đến thưa hỏi với các thầy. Các thầy ở chỗ Thế Tôn, được nghe thuyết pháp thù thắng rồi, hãy khéo lãnh thọ, khéo giữ gìn, khéo quán sát, khéo thể nhập. Các thầy đã đủ khả năng tuyên thuyết cho người khác một cách trọn vẹn mà không hủy báng Thế Tôn chăng? Không bị người khác nghi ngờ rồi chất vấn khiến rơi vào bế tắc chăng?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Chúng con vì muốn nghe pháp nên đến chỗ Tôn giả, cúi xin Tôn giả thương xót mà thuyết pháp đầy đủ cho chúng con!

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

– Người Diêm-phù-đề[6] thông minh, căn tánh lanh lợi; chắc chắn sẽ có người dòng Sát-lợi, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc trưởng giả hỏi các thầy:

“Đại sư của các ông thuyết pháp như thế nào? Dạy các ông những pháp gì?” Khi ấy, các thầy nên đáp: “Đại sư chỉ nói về điều phục dục tham và chỉ dạy pháp ấy cho chúng tôi.”

Nếu họ lại hỏi tiếp: “Ở trong pháp nào mà điều phục dục tham?”

Các thầy nên đáp: “Đại sư chỉ dạy phải điều phục dục tham đối với sắc uẩn kia, phải điều phục dục tham đối với thọ, tưởng, hành, thức uẩn kia. Đại sư của chúng tôi đã thuyết pháp như vậy.”

Nếu họ lại hỏi tiếp: “Dục tham có tai hại gì mà Đại sư dạy phải điều phục dục tham đối với sắc uẩn? Phải điều phục dục tham đối với thọ, tưởng, hành, thức uẩn?”

Các thầy nên đáp: “Nếu không đoạn trừ dục, không đoạn trừ tham, không đoạn trừ sự yêu thích, không đoạn trừ sự nhớ nhung, không đoạn trừ thèm khát đối với sắc thì khi sắc kia biến hoại, đổi khác thì nhất định sẽ sanh khởi buồn, lo, khổ, não. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Vì thấy dục tham có tai hại như thế nên phải điều phục dục tham đối với sắc; phải điều phục dục tham đối với thọ, tưởng, hành, thức.”

Họ sẽ hỏi tiếp: “Do thấy đoạn trừ dục tham có lợi ích gì mà Đại sư dạy phải điều phục dục tham đối với sắc; phải điều phục dục tham đối với thọ, tưởng, hành, thức?”

Các thầy nên đáp: “Nếu như đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ sự nhớ nhung, đoạn trừ sự yêu thích, đoạn trừ sự thèm khát đối với sắc thì khi sắc kia biến hoại, đổi khác, chắc chắn sẽ không sanh khởi buồn, lo, khổ, não. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”

Chư Hiền! Nếu như do lãnh thọ các pháp bất thiện mà ngay hiện đời được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không bức bách, sau khi qua đời được sanh vào cõi lành thì Thế Tôn đã không dạy: “Phải đoạn trừ các pháp bất thiện” và cũng chẳng dạy mọi người: “Hãy ở trong Phật pháp tu hành Phạm hạnh, vượt thoát khổ đau.” Bởi vì do nhân duyên lãnh thọ các pháp bất thiện thì ngay hiện đời phải chịu đau khổ, chướng ngại, bức bách, khi qua đời đọa vào đường ác, cho nên Thế Tôn chỉ dạy: “Phải đoạn trừ các pháp bất thiện, ở trong Phật pháp tu hành Phạm hạnh, đoạn sạch các khổ, vượt thoát khổ đau.”

Nếu do lãnh thọ các pháp thiện mà ngay hiện đời chịu khổ não, chướng ngại, bức bách, lâm chung đọa vào đường ác thì Thế Tôn đã không chỉ dạy: “Hãy thọ trì pháp thiện, ở trong Phật pháp tu hành Phạm hạnh, đoạn sạch các khổ, vượt thoát khổ đau.” Bởi vì do nhân duyên thọ trì pháp thiện mà ngay hiện đời được an vui, không khổ, không chướng ngại, không nhiệt não, sau khi qua đời được sanh về cõi lành. Do đó, Thế Tôn khen ngợi, chỉ dạy mọi người: “Hãy lãnh thọ pháp thiện, ở trong Phật pháp tu hành Phạm hạnh, đoạn sạch các khổ, vượt thoát khổ đau.”

Lúc Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp này, các Tỳ-kheo ở vùng Tây Ấn không khởi lậu hoặc, tâm được giải thoát. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp này xong, các Tỳ-kheo vùng Tây Ấn đều hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.108. 0033b28). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.41.4. 0745b26); S. 22.2 - III. 5.

[2] Nguyên tác: Thiên Hiện (天現, Devadaha), cũng được dịch là Thiên Tý (天臂), một thị trấn của nước Câu-lợi (拘利, Koliya), quê hương của Hoàng hậu Māyā và Bà Pajāpatī Gotamī.

[3] Nguyên tác: Tây phương (西方), chỉ cho các khu vực thuộc phía Tây Ấn Độ.

[4] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).

[5] Kiên Cố thọ (堅固樹) tức cây Sa-la.

[6] Nguyên tác: Diêm-phù-đề nhân (閻浮提人), ở đây chỉ cho người Ấn Độ.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.