Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

QUYỂN 5

 

107. THÂN BỆNH, TÂM KHÔNG BỆNH[1]

 

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong rừng sâu Lộc Dã, núi Thiết-thủ-bà-la, nước Bà-kỳ.[2]

Bấy giờ, có trưởng giả Na-câu-la[3] đã một trăm hai mươi tuổi, già nua ốm yếu, thân nhiều bệnh tật nhưng vẫn mong muốn hầu thăm Thế Tôn và các Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây.

Nhân đó, trưởng giả đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nay con tuổi cao sức yếu, thân nhiều bệnh tật nhưng vẫn tự mình gắng sức đến đây hầu thăm Thế Tôn và các vị Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây, cúi xin Thế Tôn nói pháp cho con nghe, để con thường được an lạc.

Khi ấy, Thế Tôn bảo trưởng giả Na-câu-la:

– Lành thay, trưởng giả! Quả thật ông đã tuổi cao sức yếu, thân nhiều bệnh tật mà vẫn tự mình gắng sức đến thăm Như Lai và các Tỳ-kheo thân quen đáng kính khác! Trưởng giả nên biết, ngay nơi cái thân bệnh khổ này, phải thường xuyên tu học để tâm không bệnh khổ.[4]

Bấy giờ, Thế Tôn vì trưởng giả Na-câu-la mà mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[5] rồi an trú tĩnh lặng. Trưởng giả Na-câu-la nghe Phật dạy xong, hoan hỷ tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi bên cội cây cách chỗ Phật không xa. Trưởng giả Na-câu-la liền đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cung kính đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả:

– Các căn của ông hôm nay trông an lành, sắc mặt tươi sáng, có phải ông đã được nghe pháp sâu xa ở nơi Thế Tôn chăng?

Trưởng giả Na-câu-la thưa:

– Hôm nay, Thế Tôn đã vì con nói pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ, đem nước pháp cam lộ rưới vào thân tâm con. Thế nên hôm nay, các căn của con an lành, sắc mặt tươi sáng. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả:

– Đức Thế Tôn đã nói những pháp gì để mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho ông được hoan hỷ, được thấm nhuần nước pháp cam lộ?

Trưởng giả Na-câu-la thưa:

– Con đến chỗ Thế Tôn, bạch với Thế Tôn rằng: “Nay con già nua, ốm yếu bệnh tật, nhưng vẫn gắng sức đến đây để được hầu thăm Thế Tôn và các Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây.” Đức Phật bảo con: “Lành thay, trưởng giả! Ông quả thật đã già yếu, đau ốm bệnh tật mà vẫn gắng sức đến đây để thăm Như Lai và các Tỳ-kheo đáng kính trước đây! Ngay nơi cái thân bệnh khổ này, ông hãy thường xuyên tu học để tâm không bệnh khổ.” Thế Tôn vì con nói pháp như thế, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến con được hoan hỷ, được thấm nhuần nước pháp cam lộ.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả:

– Thế sao ông không hỏi lại Thế Tôn rằng: Thế nào gọi là thân bệnh khổ và tâm cũng bệnh khổ? Thế nào gọi là thân bệnh khổ nhưng tâm không bệnh khổ?

Trưởng giả đáp:

– Chính vì lẽ này nên con tìm đến Tôn giả, kính xin Tôn giả hãy vì con tóm lược pháp trọng yếu. Tôn giả Xá-lợi-phất bảo trưởng giả: – Lành thay, trưởng giả! Hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông giảng nói. Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thì không biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, vị ngọt của sắc và sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên yêu thích sắc, cho rằng sắc là ngã, là ngã sở và có sự chấp thủ; khi sắc kia hư hoại, đổi khác thì tâm thức theo đó biến chuyển, phát sanh khổ não. Khổ não đã sanh thì có lo sợ, chướng ngại, luyến tiếc, buồn khổ, quyến luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là thân và tâm bệnh khổ.

Thế nào gọi là thân bệnh khổ nhưng tâm không bệnh khổ? Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, vị ngọt của sắc và sự xuất ly sắc. Biết như thật rồi thì không sanh khởi yêu thích, không thấy sắc là ngã, là ngã sở. Nếu sắc kia hư hoại, đổi khác thì tâm không theo đó chuyển sanh khổ não; tâm đã không theo đó chuyển sanh khổ não thì đạt được sự không sợ hãi, không chướng ngại, không luyến tiếc, không quyến luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là thân bệnh khổ nhưng tâm không bệnh khổ.

Lúc Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, trưởng giả Na-câu-la được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, trưởng giả Na-câu-la thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, vượt thoát hoài nghi, không nương ai khác; ngay trong Chánh pháp, tâm được vô úy rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cung kính chắp tay thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Con đã vượt qua, đã được độ thoát. Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, nguyện làm một ưu-bà-tắc. Xin Tôn giả chứng tri cho con, con nguyện suốt đời quy y Tam bảo!

Trưởng giả Na-câu-la sau khi nghe lời dạy của Tôn giả Xá-lợi-phất đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

***

 

Chú thích:

[1] Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong kinh số 104; Tạp. 雜 (T.02. 0099.104. 0030c12).

[2] Bà-kỳ quốc, Thiết-thủ-bà-la sơn (婆祇國, 設首婆羅山, Bhagga Suṃsumāragira).

[3] Na-câu-la (那拘羅, Nakula).

[4] Nguyên tác: Bất khổ hoạn thân (不苦患身). Theo diễn tiến phần sau của kinh, chữ “thân” (身) này có lẽ là “tâm” (心) thì hợp lý hơn. Bản của Trang Xuân Giang cũng đồng quan điểm này. Tham chiếu: S. 22.1 - III. 1: Āturakāyassa me sato cittaṃ anāturaṃ bhavissatī’ti (Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh), HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.