Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

QUYỂN 5

 

106. TÔN GIẢ A-NẬU-LA-ĐỘ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá. Lúc ấy, có Tỳ-kheo tên là A-nậu-la-độ[2] đang ở trong núi Kỳ-xà quật.

Bấy giờ, có số đông tu sĩ ngoại đạo đi đến chỗ của Tỳ-kheo A-nậu-la-độ. Sau khi chào hỏi nhau xong, các tu sĩ ngoại đạo đứng sang một bên và nói với Tôn giả A-nậu-la-độ:

– Chúng tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng? Tôn giả A-nậu-la-độ nói với các tu sĩ ngoại đạo:

– Tùy theo điều các ông muốn hỏi, nếu biết thì tôi sẽ trả lời. Các ngoại đạo hỏi:

– Thế nào, thưa Tôn giả, sau khi chết, Như Lai có tồn tại chăng?

Tôn giả A-nậu-la-độ đáp:

– Như Thế Tôn đã dạy thì điều này không thể khẳng định.[3]

Lại hỏi:

– Sau khi chết, Như Lai không tồn tại chăng?

A-nậu-la-độ đáp:

– Như Thế Tôn đã dạy thì điều này cũng không thể khẳng định.

Lại hỏi:

– Sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại, hay chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại?[4]

A-nậu-la-độ đáp:

– Như Thế Tôn đã dạy thì điều này cũng không thể khẳng định.

Các ngoại đạo lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Vì sao chúng tôi hỏi: “Sau khi chết, Như Lai có tồn tại chăng?” thì Tôn giả bảo: “Điều này không thể khẳng định.” Lại hỏi: “Sau khi chết, Như Lai không tồn tại chăng?” thì Tôn giả cũng đáp: “Điều này không thể khẳng định.” Chúng tôi lại hỏi: “Sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại, chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại chăng?” thì Tôn giả cũng trả lời: “Điều này không thể khẳng định.” Tôn giả! Như thế có phải là Sa-môn Cù-đàm không biết, không thấy chăng?

Tôn giả A-nậu-la-độ đáp:

– Thế Tôn chẳng phải không biết, chẳng phải không thấy.

Các tu sĩ ngoại đạo nghe Tôn giả A-nậu-la-độ trả lời như vậy thì trong lòng không vui, liền đứng dậy trách mắng rồi bỏ đi.

Bấy giờ, Tôn giả A-nậu-la-độ biết các tu sĩ ngoại đạo đã đi khuất, liền đến chỗ Phật. Đến nơi, Tôn giả lạy sát chân Phật rồi đứng qua một bên, đem những điều mà các ngoại đạo đã hỏi trình lên đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Họ hỏi như thế và con đã trả lời như thế thì có đúng với giáo pháp chăng?[5] Không hủy báng Thế Tôn chứ? Có thuận với giáo pháp hay trái với giáo pháp chăng? Không bị người khác đến chất vấn khiến rơi vào chỗ bị chỉ trích chăng?

Phật bảo A-nậu-la-độ:

– Nay Như Lai sẽ hỏi, thầy hãy theo câu hỏi mà trả lời. Này A-nậu-la-độ! Sắc là thường hay vô thường?

Tôn giả A-nậu-la-độ đáp:

– Bạch Thế Tôn, là vô thường!

– Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường!

(Phần tiếp theo này như trong khế kinh Tỳ-kheo Diệm-ma-ca đã nói rõ,[6] cho đến):

– Thức có phải là Như Lai không?

Đáp:

– Thưa, không phải! Rồi đức Phật bảo A-nậu-la-độ:

– Nói như vậy là những lời nói có cơ sở, không hủy báng Như Lai, không vượt thứ lớp, đúng như lời Như Lai đã dạy, nói đúng theo giáo pháp nên không một ai có thể đến chất vấn và chỉ trích. Vì sao như thế? Vì Ta biết như thật về sắc, biết như thật về sự tập khởi của sắc, biết như thật về sự diệt tận của sắc và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Này A-nậu-la-độ! Nếu bỏ qua những điều Như Lai đã dạy mà bảo rằng “Sa-môn Cù-đàm không biết, không thấy” thì lời nói này không chính xác.[7]

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nậu-la-độ nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.106. 0032c02). Tham chiếu: S. 22.86 - III. 116; S. 44.2 - IV. 380.

[2] A-nậu-la-độ (阿㝹羅度, Anurādha).

[3] Nguyên tác: Vô ký (無記, avyākata): Không thể xác quyết được.

[4] Bản Tống, Nguyên, Minh có thêm 8 chữ: Hữu vô da phi hữu phi vô da (有無耶非有非無耶).

[5] Nguyên tác: Thuận chư pháp thuyết (順諸法說). S. 22.86 - III. 126: Dhammassa cānudhammaṃ byākaronti (trả lời đúng pháp, thuận pháp), HT. Thích Minh Châu dịch.

[6] Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong kinh số 104; Tạp. 雜 (T.02. 0099.104. 0030c12).

[7] Nguyên tác: Phi đẳng thuyết (非等說). Đẳng (等) tương đương Pāli là sama được dùng như sammā, có nghĩa là chính xác, đúng đắn, hoàn toàn.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.