Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

QUYỂN 5

 

105. NGOẠI ĐẠO TIÊN-NI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên là Tiên-ni[2] đi đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi rồi ngồi qua một bên và thưa với đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Ngày hôm qua, có các Sa-môn, các Bà-la-môn, các vị tế sư[3] tập hợp tại giảng đường Hy Hữu rồi cùng nhau luận bàn thế này: “Phú-lan-na Ca-diếp[4] là người lãnh đạo đồ chúng gồm năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong chúng đệ tử đó có người rất thông minh và cũng có người đần độn, nhưng nếu có người nào qua đời thì đều không được Tôn sư xác định là họ sẽ tái sanh ở đâu. Lại có Mạt-ca-lê Cù-xá-lợi tử[5] là người lãnh đạo đồ chúng gồm năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong chúng đệ tử đó có người rất thông minh và cũng có người đần độn, nhưng nếu có người nào qua đời thì đều không được Tôn sư xác định là họ sẽ tái sanh ở đâu. Cũng vậy, Tiên-xà-na Tỳ-la-chi tử,[6] A-kỳ-đa Xíxá-khâm-bà-la,[7] Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên,[8] Ni-kiền-đà Nhã-đề tử,[9] v.v... mỗi người đều có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau (như đã nói trên).”

Sa-môn Cù-đàm cũng là chủ đề trong cuộc thảo luận ấy, họ nói rằng: “Samôn Cù-đàm là vị Giáo chủ của một đại chúng. Trong số đệ tử của Ngài, nếu có ai lâm chung thì được dự ký sẽ sanh vào chỗ này, sẽ sanh vào nơi kia. Vì thế tôi luôn nghi ngờ: ‘Làm sao Sa-môn Cù-đàm đạt được pháp như vậy?’”

Đức Phật bảo Tiên-ni:

– Ông chớ khởi tâm nghi ngờ. Do vì mê lầm nên mới sanh nghi hoặc. Này Tiên-ni! Ông nên biết, có ba hạng thầy. Ba hạng ấy thế nào? Có một hạng thầy chỉ thấy ngã của đời hiện tại là chân thật, rồi theo sự hiểu biết ấy mà giảng nói, nhưng không thể biết được những việc sau khi qua đời. Đó là hạng thầy thứ nhất xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, này Tiên-ni! Hạng thầy thứ hai thấy ngã của đời hiện tại là chân thật, sau khi qua đời cũng thấy là ngã, rồi theo sự hiểu biết ấy mà giảng nói.

Lại nữa, này Tiên-ni! Hạng thầy thứ ba không thấy ngã của đời hiện tại là chân thật, sau khi qua đời cũng không thấy ngã là chân thật.

Này Tiên-ni! Hạng Tôn sư thứ nhất thấy ngã của đời hiện tại là chân thật, rồi theo sự hiểu biết ấy mà giảng nói, đó gọi là Đoạn kiến. Hạng Tôn sư thứ hai, thấy ngã của đời hiện tại và đời vị lai là chân thật, rồi theo sự thấy biết ấy mà giảng nói, đó gọi là Thường kiến. Hạng Tôn sư thứ ba, không thấy ngã của đời hiện tại là chân thật, sau khi qua đời cũng không thấy ngã là chân thật, đó là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác đã nói. Vị ấy ở hiện tại đã đoạn ái, xa lìa dục, được diệt tận, chứng Niết-bàn.

Tiên-ni bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tôi nghe những điều được đức Thế Tôn nói thì càng thêm nghi ngờ

Đức Phật bảo Tiên-ni:

– Ông nói, càng tăng thêm nghi ngờ là đúng. Vì sao như thế? Vì đây chính là điều sâu kín khó thấy khó biết, cần phải quán chiếu sâu xa mới thấu đáo được, chỉ có bậc Thông tuệ mới hiểu rõ; còn hạng chúng sanh thường tình thì chưa có khả năng thấu hiểu rồi trình bày. Vì sao như thế? Vì từ lâu chúng sanh đã có những kiến giải khác nhau, tín thọ khác nhau, mong cầu khác nhau và ước muốn khác nhau.

Tiên-ni bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, con đối với đức Thế Tôn có lòng tin thuần tịnh, xin đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, để ngay nơi đây, con được tuệ nhãn thanh tịnh.

Phật bảo Tiên-ni:

– Nay Như Lai sẽ nói pháp theo lòng mong cầu của ông.

Phật hỏi Tiên-ni:

– Sắc là thường hay vô thường?

Tiên-ni đáp:

– Là vô thường, bạch Thế Tôn!

Đức Thế Tôn lại hỏi:

– Này Tiên-ni, nếu đã vô thường thì phải chăng là khổ?

Tiên-ni đáp:

– Bạch Thế Tôn, là khổ!

Đức Thế Tôn lại hỏi Tiên-ni:

– Nếu đã là vô thường là khổ, tức là pháp biến đổi, vậy bậc Thánh đệ tử đa văn lẽ nào xem đó là ngã, hoặc khác với ngã, sắc ở nơi ngã hoặc ngã ở nơi sắc chăng?

Tiên-ni đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn! – Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

– Thế nào, Tiên-ni, sắc có phải là Như Lai không?

Tiên-ni đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức có phải là Như Lai không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

Đức Thế Tôn lại hỏi:

– Ngoài sắc có Như Lai không? Ngoài thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?

Tiên-ni đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

Đức Thế Tôn lại hỏi Tiên-ni:

– Trong sắc có Như Lai không? Trong thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?

Tiên-ni đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

Đức Thế Tôn lại hỏi:

– Trong Như Lai có sắc không? Trong Như Lai có thọ, tưởng, hành, thức không? Tiên-ni đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn! Lại hỏi Tiên-ni:

– Chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?

Tiên-ni đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo Tiên-ni:

– Đối với giáo pháp được Như Lai nói ra mà các đệ tử của Như Lai không hiểu được nghĩa lý nên mạn sanh khởi không gián đoạn.[10] Do vì không thông đạt[11] nghĩa lý nên không thể đoạn trừ được mạn. Vì không dứt trừ được mạn nên sau khi bỏ thân ngũ uẩn này thì thân ngũ uẩn tiếp nối được sanh ra. Do vậy, này Tiên-ni! Như Lai mới dự ký cho các đệ tử, sau khi qua đời sẽ sanh vào chỗ này hay sanh vào chỗ kia. Vì sao như thế? Vì họ vẫn còn các mạn.

Này Tiên-ni, đối với giáo pháp được Như Lai nói ra mà các đệ tử của Như Lai có thể hiểu rõ nghĩa lý thì những vị đệ tử đó thông đạt các mạn. Do thông đạt các mạn nên các mạn được đoạn trừ. Do các mạn đã được đoạn trừ nên sau khi qua đời sẽ không còn tiếp tục thọ sanh. Này Tiên-ni! Những người đệ tử này, Như Lai không nói là sau khi bỏ thân ngũ uẩn này rồi, họ sẽ sanh vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao như thế? Vì không có nhân duyên để có thể dự ký. Nếu họ muốn được dự ký thì Như Lai sẽ dự ký rằng: “Vị đó sẽ đoạn trừ các ái dục, vĩnh viễn xa lìa hữu kiết sử, tâm được giải thoát hoàn toàn[12] và vượt thoát khổ đau.”[13]

Từ xưa tới nay và ngay trong hiện tại, Như Lai thường nói về lỗi lầm của mạn, sự tập hợp của mạn, sự phát sanh của mạn và sự hưng khởi của mạn. Nếu quán sát và thông đạt về mạn thì các khổ sẽ không sanh.

Khi đức Phật nói pháp này, tu sĩ ngoại đạo Tiên-ni xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, Tiên-ni thấy pháp, đắc pháp, đoạn trừ nghi hoặc, không nhờ người khác mà được tỏ ngộ, không do người khác để được độ thoát, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Ông từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, con có được phép ở trong giáo pháp của Thế Tôn mà xuất gia rồi tu tập Phạm hạnh không?

Đức Phật bảo Tiên-ni:

– Ông có thể ở trong giáo pháp của Như Lai xuất gia, thọ giới Cụ túc và được làm Tỳ-kheo.

Sau khi Tiên-ni được phép xuất gia rồi, liền sống một mình ở nơi vắng vẻ, siêng năng tu tập rồi suy nghĩ như vầy: “Sở dĩ một người thiện nam phải cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia, sống không gia đình, làm người học đạo, tu hành Phạm hạnh, nhằm để thấy pháp và tự biết, tự ngộ: ‘Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa’”, tức chứng đắc quả vị A-la-hán. '

Tiên-ni nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.105. 0031c15).

[2] Tiên-ni (仙尼). Theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích 四分律名義標釋 (X.44. 744.34. 0663a22) chỉ cho hàng ngoại đạo lõa hình nói chung, không phải tên riêng của một người, còn gọi là Tư-ni (斯尼).

[3] Giá-la-ca (遮羅迦). Theo S. 11.16 - I. 232: Yajamāna (tế đàn). Yajaka: Người lo việc tế tự, thầy tư tế.

[4] Phú-lan-na Ca-diếp (富蘭那迦葉, Pūraṇa Kassapa).

[5] Mạt-ca-lê Cù-xá-lợi tử (末迦梨瞿舍利子, Makkhali Gosāla).

[6] Tiên-xà-na Tỳ-la-chi tử (先闍那毘羅胝子, Sañjaya Belatthiputta).

[7] A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la (阿耆多翅舍欽婆羅, Ajita Kesakambali).

[8] Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên (迦羅拘陀迦栴延, Pakudha Kaccāyana).

[9] Ni-kiền-đà Nhã-đề tử (尼揵陀若提子, Nigaṇṭha Nātaputta

[10] Nguyên tác: Bất tất giải nghĩa nhi khởi mạn vô gián đẳng (不悉解義而起慢無間等), vô gián đẳng (無間等) trong trường hợp này mang nghĩa không gián đoạn.

[11] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等, abhisamaya), trong trường hợp này có nghĩa là sự sáng suốt, thông tuệ, thông đạt, thể nhập, quán chiếu thấu đáo... P. mānābhisamaya (thông đạt về mạn, thắng tri mạn, hiểu rõ tường tận về mạn...).

[12] Nguyên tác: Chánh ý giải thoát (正意解脫). Chánh (正, sammā) vừa có nghĩa là chính xác vừa có nghĩa là hoàn toàn, hết thảy.

[13] Nguyên tác: Bỉ đoạn chư ái dục, vĩnh ly hữu kiết, chánh ý giải thoát, cứu cánh khổ biên (彼斷諸愛欲, 永離有結, 正意解脫, 究竟苦邊). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005b02): Đoạn ái dục, chuyển khứ chư kiết, chánh vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên (斷愛欲, 轉去諸結, 正無間等, 究竟苦邊).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.