Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Diệm-ma-ca[2] khởi lên tà kiến xấu ác khi nói rằng: “Theo chỗ hiểu biết của tôi về giáo pháp mà đức Phật đã giảng thì vị A-lahán dứt sạch phiền não, sau khi qua đời sẽ không còn gì nữa.”[3]
Lúc ấy, đại chúng Tỳ-kheo nghe như vậy, liền đến nói với Tỳ-kheo Diệmma-ca: – Có phải là thầy đã nói: “Theo chỗ hiểu biết của tôi về giáo pháp mà đức Phật đã giảng thì vị A-la-hán dứt sạch phiền não, sau khi qua đời sẽ không còn gì nữa?”
Diệm-ma-ca đáp:
– Thật có như vậy, thưa các Tôn giả!
Các Tỳ-kheo nói với Diệm-ma-ca:
– Thầy không nên hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói như vậy. Thầy hãy từ bỏ tà kiến xấu ác này đi.
Khi các Tỳ-kheo đã khuyên như thế mà Tỳ-kheo Diệm-ma-ca vẫn chấp chặt tà kiến xấu ác này, lại nói như vầy:
– Thưa các Tôn giả! Chỉ có điều này là chân thật, ngoài ra đều là giả dối. Các Tỳ-kheo khuyên Tỳ-kheo Diệm-ma-ca ba lần như vậy.
Thấy rằng không thể điều phục được Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, các Tỳ-kheo liền rời khỏi nơi ấy. Sau đó, các Tỳ-kheo đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất rồi thưa với Tôn giả rằng:
– Thưa Tôn giả! Tỳ-kheo Diệm-ma-ca kia đã khởi tà kiến xấu ác nói như vầy: “Theo chỗ hiểu biết của tôi về giáo pháp mà đức Phật đã giảng thì vị A-la-hán dứt sạch phiền não, sau khi qua đời sẽ không còn gì nữa.” Chúng tôi nghe như thế, liền đến hỏi Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, có phải là thầy đã nói như thế không? Thì thầy ấy nói: “Thưa các Tôn giả, đúng thật là như vậy, nếu nói khác đi là lời của người ngu.” Chúng tôi liền bảo rằng: “Thầy không nên hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn chưa từng nói như thế. Thầy phải từ bỏ tà kiến xấu ác này đi.” Chúng tôi can ngăn đến ba lần mà thầy ấy vẫn không bỏ tà kiến xấu ác. Vì thế chúng tôi mới đến gặp Tôn giả. Xin Tôn giả vì lòng bi mẫn nói pháp để Tỳ-kheo Diệm-ma-ca dứt bỏ tà kiến xấu ác đó.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Vâng, tôi sẽ làm cho thầy ấy dứt bỏ tà kiến xấu ác! Sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất hứa giúp, đại chúng Tỳ-kheo vui mừng cảm tạ Tôn giả rồi trở về chỗ ở của mình.
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Sau khi thọ thực xong, Tôn giả ra khỏi thành trở về tinh xá, xếp cất y bát xong liền đến chỗ Tỳ-kheo Diệm-ma-ca.
Từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca liền trải tòa, chuẩn bị nước rửa chân, sắp đặt ghế ngồi rồi đi ra tiếp đón, mang giúp y bát, cung kính mời ngồi. Tôn giả Xá-lợi-phất ngồi vào chỗ, rửa chân xong, sau đó mới hỏi Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
– Có phải thầy đã nói: “Theo chỗ hiểu biết của tôi về giáo pháp mà đức Phật đã giảng thì vị A-la-hán dứt sạch phiền não, sau khi qua đời sẽ không còn gì nữa?” Tỳ-kheo Diệm-ma-ca thưa:
– Tôi có nói như vậy, thưa Tôn giả! Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Bây giờ, tôi sẽ hỏi và thầy hãy trả lời theo ý mình. Thế nào, Diệm-ma-ca, sắc là thường hay vô thường?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Sắc là vô thường. Tôn giả lại hỏi:
– Đã là vô thường thì đó là khổ phải không? Diệm-ma-ca đáp:
– Đúng vậy, là khổ! Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Nếu đã là vô thường, là khổ, là pháp biến dịch. Vậy bậc Thánh đệ tử đa văn lẽ nào xem đó là ngã, hoặc khác với ngã, sắc ở nơi ngã hoặc ngã ở nơi sắc chăng? Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa không, Tôn giả!
– Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Thế nào Diệm-ma-ca! Sắc là Như Lai phải không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Sắc không phải là Như Lai.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Vậy thọ, tưởng, hành, thức có phải là Như Lai không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Không phải.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Thế nào, Diệm-ma-ca, ngoài sắc có Như Lai chăng? Ngoài thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai chăng?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Không có.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Trong sắc có Như Lai không? Trong thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Không có.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Trong Như Lai có sắc không?
Trong Như Lai có thọ, tưởng, hành, thức không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Không có, thưa Tôn giả!
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì có Như Lai không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa không, Tôn giả!
– Như vậy, này Diệm-ma-ca! Pháp mà Như Lai thấy là chân thật, như như, trụ vô sở đắc, không thể diễn bày. Vì sao thầy lại nói: “Theo chỗ hiểu biết của tôi về giáo pháp mà đức Phật đã giảng thì vị A-la-hán dứt sạch phiền não, sau khi qua đời sẽ không còn gì nữa?” Thầy nói như vậy có đúng không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Không đúng, thưa Tôn giả! Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Này Diệm-ma-ca, trước đây thầy nói: “Theo chỗ hiểu biết của tôi về giáo pháp mà đức Phật đã giảng thì vị A-la-hán dứt sạch phiền não, sau khi qua đời sẽ không còn gì nữa.” Tại sao hôm nay thầy lại nói là không đúng?
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Trước đây tôi không hiểu rõ là do vô minh nên mới thốt lên những lời tà kiến xấu ác như vậy. Nay được nghe Tôn giả Xá-lợi-phất giảng bày thì tất cả vô minh đều dứt sạch.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Nếu như có người hỏi: “Tỳ-kheo! Trước đây thầy đã nói những lời sai Chánh pháp, nay thầy hiểu rõ pháp gì, thấy được pháp gì mà xa lìa tất cả tà kiến xấu ác?” Khi ấy, thầy sẽ đáp như thế nào?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu có người đến hỏi tôi như thế thì tôi sẽ đáp: “Bậc A-la-hán đã dứt sạch lậu hoặc, thấy sắc là vô thường, đã vô thường thì khổ. Khổ khi đã đoạn tận thì trở về thanh tịnh, ngưng lặng hoàn toàn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.” Nếu có người nào đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vậy.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, thầy nên đáp như vậy. Vì sao như thế? Vì bậc A-la-hán đã dứt sạch lậu hoặc thì thấy sắc là vô thường mà vô thường là khổ. Nếu vô thường là khổ thì đó là pháp sanh diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
– Nay tôi sẽ nói ví dụ cho thầy nghe, người trí nhờ nghe ví dụ mà hiểu được ý nghĩa. Ví như có vị trưởng giả giàu sang, của cải rất nhiều nên mới tìm kiếm người giúp việc khéo léo, nhằm trông coi bảo vệ tài sản. Nghe tin như thế, có kẻ oán thù giả dạng thân cận, thường hay giúp đỡ và xin làm người giúp việc cho trưởng giả. Từ đó trở đi, người kia luôn âm thầm dò xét giờ giấc ngủ nghỉ, thức dậy của ông trưởng giả, hầu hạ hai bên, kính cẩn phục vụ, nói năng khiêm cung, vâng theo lời chủ, khiến cho chủ nhân vô cùng hài lòng, xem như bạn thân, tưởng như con cháu, hết lòng tin tưởng, không chút nghi ngờ nên không còn nghĩ đến sự phòng bị. Sau đó, kẻ này liền dùng dao bén giết chết người chủ.
Này Tỳ-kheo Diệm-ma-ca! Thầy nghĩ thế nào về kẻ oán thù rất ác độc kia, giả vờ làm bạn thân với trưởng giả; đó chẳng phải là ngay từ đầu đã có dã tâm nên mới dẫn đến cái kết cuối cùng? Trong khi trưởng giả không hề hay biết nên mới bị sát hại.
Diệm-ma-ca đáp:
– Quả thật như vậy, thưa Tôn giả!
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
– Thầy nghĩ thế nào về trưởng giả này, nếu biết người kia giả làm người thân tìm cách hãm hại thì ông đã khéo tìm cách đề phòng, bảo hộ cẩn mật để không bị sát hại phải không?
Diệm-ma-ca đáp:
– Thưa Tôn giả! Đúng là như vậy.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói:
– Cũng vậy, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca! Những kẻ phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, đối với năm thủ uẩn này đều tưởng là thường, tưởng là an ổn, tưởng là không bệnh và tưởng là ngã, tưởng là ngã sở nên đối với năm thủ uẩn này giữ gìn, nuối tiếc để rồi cuối cùng lại bị năm thủ uẩn oan gia này làm hại. Như trưởng giả kia bị kẻ oán thù giả làm người thân, ra tay sát hại mà không hay biết.
Này Diệm-ma-ca, vị Thánh đệ tử đa văn đối với năm thủ uẩn này phải thường quán sát như là mầm bệnh, như bị ung nhọt, như cây gai nhọn, như bị sát hại, đó là vô thường, là khổ, là không, chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Đối với năm thủ uẩn này, vị ấy không thọ lãnh, không đắm trước. Vì không thọ lãnh nên không đắm trước, vì không đắm trước nên tự giác ngộ Niết-bàn: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói bài pháp này, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Tôn giả Xá-lợi-phất sau khi thuyết pháp, mở bày, chỉ dạy, khích lệ, khiến cho Tỳ-kheo Diệm-ma-ca khởi lòng hoan hỷ,[4] liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.104. 0030c12). Tham chiếu: S. 22.85 - III. 109.
[2] Diệm-ma-ca (焰摩迦, Yamaka). Xem S. 22.85 - III. 109.
[3] Mạng chung tiện vô sở hữu (命終更無所有, na hoti paraṃ maraṇāti): Sau khi chết không có gì tồn tại, đây là quan điểm đoạn kiến.
[4] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.