Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, số đông các vị Tỳ-kheo Thượng tọa trú trong vườn Cù-sư-la2 của nước Câu-xá-di.3 Cũng trong lúc ấy, ở trong vườn Bạt-đà-lê4 của nước Câu-xá-di có Tỳ-kheo Sai-ma5 đang lâm bệnh nặng và Tỳ-kheo Đà-sa6 là người chăm sóc. Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, đảnh lễ sát chân rồi đứng sang một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa bảo Tỳkheo Đà-sa rằng:
– Thầy trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma và chuyển lời đến thầy ấy rằng: “Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, bệnh tình có thuyên giảm không? Thân thể có an ổn chăng? Đau đớn không tăng thêm chứ?”
Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa, trở về thuật lại với Tỳkheo Sai-ma: “Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, bệnh tình có thuyên giảm không? Thân thể có an ổn chăng? Đau đớn không tăng thêm chứ?”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa:
– Bệnh của tôi không hề thuyên giảm, thân thể không được an ổn, sự đau đớn càng tăng thêm, e không thể cứu. Giống như một người khỏe mạnh lực lưỡng mà bắt một người gầy yếu, lấy dây buộc vào đầu, rồi dùng hai tay siết chặt lại khiến họ đau đớn vô cùng. Hiện tại sự đau đớn của tôi còn hơn cả người kia nữa. Giống như người đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò để lấy nội tạng thì con bò ấy làm sao có thể chịu nổi sự đau đớn. Hiện tại cơn đau trong bụng của tôi còn hơn cả nỗi đau của con bò kia. Lại cũng như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo lên, rồi châm lửa đốt vào hai chân, hiện nay, hai chân của tôi còn bị nóng hơn cả người kia nữa.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa lại đến chỗ các Thượng tọa, thuật lại đầy đủ hiện tình bệnh trạng như lời Tỳ-kheo Sai-ma đã nói. Các Thượng tọa lại bảo Tỳkheo Đà-sa trở về và nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Đức Thế Tôn đã dạy về năm thủ uẩn,7 đó là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn. Tỳ-kheo Saima, thầy có thể quán sát một chút về năm thủ uẩn này không phải là ngã, không phải là ngã sở có được không?”
Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy, trở về nói với Tỳkheo Sai-ma:
– Các Thượng tọa nhắn lại thầy thế này: “Thế Tôn đã dạy về năm thủ uẩn, thầy có thể quán sát một chút về năm thủ uẩn này không phải là ngã, không phải là ngã sở có được không?”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa:
– Tôi có thể quán sát năm thủ uẩn này không phải là ngã, không phải là ngã sở. Tỳ-kheo Đà-sa trở lại bạch với các Thượng tọa:
– Tỳ-kheo Sai-ma nói: “Đối với năm thủ uẩn này, tôi có thể quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở.”
Các Tỳ-kheo Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Thầy có thể quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở như các bậc A-la-hán đã dứt sạch các lậu hoặc có được không?”
Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy, lại trở về nói với Saima rằng:
– Các Thượng tọa nói: “Thầy có thể quán sát năm thủ uẩn như các bậc A-lahán đã dứt sạch các lậu hoặc có được không?”
Tỳ-kheo Sai-ma đáp:
– Tôi có thể quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng không thể giống như bậc A-la-hán đã dứt sạch các lậu hoặc.
Tỳ-kheo Đà-sa lại đến bạch với các Thượng tọa:
– Tỳ-kheo Sai-ma nói:
“Tôi có thể quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng không thể giống như các A-la-hán đã dứt sạch các lậu hoặc.”
Bấy giờ, các Thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa, thầy hãy trở về nói với Tỳkheo Sai-ma: “Thầy nói có thể quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng không thể giống như bậc A-la-hán đã dứt sạch các lậu hoặc thì lời trước và sau mâu thuẫn nhau.”
Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Thượng tọa dạy, trở về thuật lại với Tỳ-kheo Sai-ma:
– Các Thượng tọa nói: “Thầy nói có thể quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng không thể giống như bậc A-la-hán đã dứt sạch lậu hoặc thì lời trước và sau mâu thuẫn nhau.”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
– Đối với năm thủ uẩn tôi có thể quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng không thể giống như bậc A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm chán.
Tỳ-kheo Đà-sa lại đến thưa với các Thượng tọa, Tỳ-kheo Sai-ma nói: “Đối với năm thủ uẩn tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải như bậc A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm chán.”
Các Thượng tọa lại bảo Tỳ-kheo Đà-sa trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Thầy nói có ngã. Vậy thì thấy ngã ở chỗ nào? Sắc là ngã hay ngã khác sắc? Thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác với thọ, tưởng, hành, thức?”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
– Tôi không nói sắc là ngã hay ngã khác sắc; thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thọ, tưởng, hành, thức, nhưng đối với năm thủ uẩn, ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm chán.
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
– Đâu dám làm phiền thầy phải đi qua đi lại mãi. Nhờ thầy mang giúp cây gậy đến đây, tôi sẽ tự chống gậy đến gặp các Thượng tọa. Xin đưa gậy cho tôi! Nói rồi, Tỳ-kheo Sai-ma chống gậy đi đến chỗ các Thượng tọa. Từ xa trông thấy Tỳ-kheo Sai-ma chống gậy đi đến, các Thượng tọa liền sửa soạn chỗ ngồi, chỗ để chân rồi đích thân tiếp đón, đỡ giúp y bát và mời ngồi. Sau khi cùng thăm hỏi sức khỏe xong, các Thượng tọa hỏi Tỳ-kheo Sai-ma:
– Thầy nói ngã mạn là thấy ngã ở chỗ nào? Sắc là ngã chăng? Hay là ngã khác sắc? Thọ, tưởng, hành, thức là ngã chăng? Hay là ngã khác với thọ, tưởng, hành, thức?
Tỳ-kheo Sai-ma thưa rằng:
– Chẳng phải sắc là ngã, chẳng phải ngã khác với sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã; chẳng phải ngã khác với thọ, tưởng, hành, thức.8 Tuy nhiên, đối với năm thủ uẩn, ngã mạn, ngã dục, ngã sử thì tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm chán.
Cũng như hương thơm của hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng và hoa sen trắng; là mùi thơm của rễ hay chẳng phải của rễ? Là hương thơm tinh hay thô của cọng, của lá hay của nhụy; hoặc chẳng phải hương thơm tinh hay thô của cọng, của lá hay của nhụy? Hay là của tất cả các loại trên?
Các Thượng tọa đáp:
– Không phải như vậy, Tỳ-kheo Sai-ma! Chẳng phải hương thơm từ rễ của hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng và hoa sen trắng; chẳng phải hương thơm ở ngoài rễ; chẳng phải hương thơm tinh hay thô của cọng, của lá và nhụy; cũng chẳng phải hương thơm tinh hay thô ở ngoài cọng, lá và nhụy.
Tỳ-kheo Sai-ma lại hỏi:
– Vậy hương thơm đó là của loại nào?
Các Thượng tọa đáp:
– Đó là hương thơm của hoa.
Tỳ-kheo Sai-ma lại nói:
– Thế thì ngã cũng như vậy. Chẳng phải sắc là ngã, nhưng ngã không lìa sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã và ngã không lìa thọ, tưởng, hành, thức. Đối với năm thủ uẩn, tôi thấy không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử thì tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm chán.
Các Thượng tọa hãy nghe tôi nói ví dụ, người trí nhờ nghe ví dụ mà hiểu được ý nghĩa. Giống như đem chiếc áo của người nhũ mẫu giao cho người giúp việc giặt. Tuy người giúp việc dùng nước tro giặt sạch bụi nhơ, nhưng mùi hôi vẫn còn. Nếu muốn hết mùi thì phải dùng các thứ hương thơm xông ướp. Cũng vậy, các vị Thánh đệ tử đa văn xa lìa năm thủ uẩn, chân chánh quán sát không phải là ngã, không phải ngã sở, có thể đối với năm thủ uẩn thì ngã mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm chán.
Nhưng sau đó, vị ấy càng nỗ lực tư duy quán sát sự sanh diệt của năm thủ uẩn: “Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức và đây là sự đoạn tận của thọ, tưởng, hành, thức.” Khi đã quán sát sự sanh diệt của năm thủ uẩn như thế thì ngã mạn, ngã dục, ngã sử đều được tiêu trừ. Đó gọi là quán sát chân chánh.
Khi Tỳ-kheo Sai-ma nói pháp này, các vị Thượng tọa xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ-kheo Sai-ma do không khởi các lậu hoặc nên tâm được giải thoát. Nhờ có sự an vui và lợi lạc trong Chánh pháp nên bệnh tình nơi thân của Tôn giả liền được tiêu trừ.
Bấy giờ, các Thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma:
– Khi vừa mới nghe Nhân giả nói thì chúng tôi đã hiểu rõ và rất vui mừng, huống gì được nghe lại nhiều lần. Sở dĩ chúng tôi đưa ra nhiều câu hỏi vì muốn thấy biện tài vi diệu của Nhân giả được hiển lộ ra, chứ không có ý gây phiền nhiễu. Nhân giả là người có khả năng truyền bá rộng rãi Chánh pháp của Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Bấy giờ, các Thượng tọa nghe Tỳ-kheo Sai-ma luận giải xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c06). Tham chiếu: S. 22.89 - III. 126. 2 Cù-sư-la (瞿師羅). S. 22.89 - III. 126 ghi Ghosita. 3 Câu-xá-di (拘舍彌, Kosambī). 4 Bạt-đà-lê (跋陀梨, Badarika). 5 Sai-ma (差摩, Khemaka). 6 Đà-sa (陀娑, Dāsaka). 7 Nguyên tác: Ngũ thọ ấm (五受陰). 8 Quan điểm này có chút khác biệt so với bản kinh, S. 22.4 - III. 126: Thưa chư Hiền, tôi không nói: “Tôi là sắc.” Tôi không nói: “Tôi là khác sắc”... “là thọ... là tưởng... là các hành”... Tôi không nói: “Tôi là thức.” Tôi cũng không nói: “Tôi là khác thức.” Dầu rằng, này các Hiền giả, tôi có chứng được (tư tưởng): “Tôi là”, nhưng tôi không có quán: “Cái này là tôi” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.