Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 4

 

94. THIỆN, BẤT THIỆN NHƯ MẶT TRĂNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Tăng-già-la đi đến chỗ Phật. Sau khi ân cần thăm hỏi nhau, Bà-la-môn ngồi sang một bên và bạch Phật:

– Thưa Cù-đàm, làm sao có thể biết được hạng người bất thiện?[2]

Phật bảo Bà-la-môn:

– Ví dụ như mặt trăng.

Bà-la-môn lại hỏi:

– Làm sao có thể biết được hạng người lương thiện?

Phật bảo Bà-la-môn:

– Ví dụ như mặt trăng.

Bà-la-môn bạch Phật:

– Thế nào gọi là người bất thiện giống như mặt trăng?

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

– Như mặt trăng cuối tháng, ánh sáng giảm dần, màu sắc cũng mất, những gì liên hệ cũng không còn, ngày đêm càng lúc càng suy giảm, cho đến khi không còn gì hiện ra nữa. Cũng vậy, có người đối với Như Lai, phát khởi lòng tin, lãnh thọ tịnh giới, khéo học, nghe nhiều, giảm phần mình để bố thí, chánh kiến chân thật. Đối với Như Lai đã có niềm tịnh tín rồi, đã có giữ giới, bố thí, nghe nhiều, chánh kiến chân thật rồi, nhưng sau đó lại thoái lui; đối với giới luật, nghe nhiều, bố thí, chánh kiến, tất cả đều mất hết, ngày đêm càng lúc càng suy giảm, cho đến trong khoảnh khắc cũng không còn gì.

Lại nữa, Bà-la-môn, nếu người thiện nam không gần gũi bạn lành, không thường nghe pháp; không chánh tư duy; thân làm những việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Do nhân duyên làm ác nên sau khi qua đời bị đọa vào đường ác, địa ngục. Như thế, này Bà-la-môn, đó gọi là hạng người bất thiện được ví như mặt trăng.

Bà-la-môn bạch Phật:

– Thế nào gọi là hạng người lương thiện được ví như mặt trăng?

Phật bảo Bà-la-môn:

– Như mặt trăng đầu tháng trong sáng, ngày đêm càng lúc càng tăng thêm ánh sáng cho đến lúc trăng tròn đầy, chiếu sáng khắp nơi. Cũng thế, đối với Chánh pháp và Giới luật của Như Lai, người thiện nam có lòng tin trong sạch... (cho đến) có chánh kiến chân thật, thanh tịnh, thêm sáng suốt và tăng tiến về mọi mặt: Giới luật, bố thí, nghe nhiều, trí tuệ ngày đêm càng tăng trưởng. Vào những lúc khác, lại gần gũi bạn lành, được nghe Chánh pháp; bên trong chánh tư duy; thân, miệng, ý làm những điều lành. Do nhân duyên này nên sau khi qua đời được hóa sanh ở cõi trời. Này Bà-la-môn, đó gọi là hạng người lương thiện được ví như mặt trăng.

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Ví như vầng trăng trong,
Đi khắp bầu hư không,
Trong tất cả tinh tú,
hông gì sáng hơn trăng.
Tịnh tín cũng như thế,
Giới, văn, lìa bỏn xẻn,
Giữa thế gian xan lẫn,
Bố thí kia sáng ngời.

Bấy giờ, Bà-la-môn Tăng-già-la nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy rời đi.

***

 

Chú thích
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.94. 0025c02). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.260. 0465b06); Tăng 增 (T.02. 0125.17.8. 0584c11); Hà khổ kinh 何苦經 (T.01. 0026.148. 0659b15); A. 5.31 - III. 32.

[2] Nguyên tác: Bất thiện nam tử (不善男子). Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.260. 0465b09) gọi là bất thiện trượng phu (不善丈夫). Hà khổ kinh 何苦經 (T.01. 0026.148. 0659b15) và Tăng. 增 (T.02. 0125.17.8. 0584c11) đều gọi là ác tri thức nhân (惡知識人). Các trường hợp nêu trên nhằm chỉ cho một con người nào đó nói chung chứ không khu biệt trong một giới tính.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.