Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 4

 

93. BA LOẠI LỬA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi đi dần đến và ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Bà-la-môn Trường Thân[2] tổ chức đại hội hiến tế như thế này: Dùng bảy trăm con bò mộng[3] cột sắp hàng nơi cây trụ, còn những bò đực, bò cái, trâu, dê, nghé cùng với các loài súc sanh nhỏ bé đều bị trói chặt rồi bày biện món ăn thức uống để bố thí một cách rộng rãi. Nhiều chúng ngoại đạo từ các nước khác nhau đều đến tập hợp trong đại hội hiến tế này.

Khi ấy, Bà-la-môn Trường Thân nghe nói Sa-môn Cù-đàm đang du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi đi dần đến và ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ, liền nghĩ: “Hôm nay, ta tổ chức đại hội hiến tế với bảy trăm con bò mộng cột sắp hàng... (cho đến) vô số những sanh loại nhỏ bé khác đều được buộc chặt. Vì đại hội hiến tế nên có nhiều chúng ngoại đạo từ các nước khác nhau đến tham dự. Bây giờ, ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi về pháp hiến tế, số lượng các phẩm vật dùng để tổ chức, để đại hội hiến tế của ta không bị thiếu sót.”

Suy nghĩ xong, Bà-la-môn cưỡi xe ngựa trắng cùng với các thiếu niên Bà la-môn kẻ trước người sau đi theo, cầm dù lọng cán vàng, ôm bình vàng rồi ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến chỗ Thế Tôn với lòng cung kính, phụng sự.

Đến trước cổng tinh xá, họ xuống xe đi bộ, đến trước đức Phật, ân cần thăm hỏi rồi ngồi qua một bên và bạch:

– Thưa Cù-đàm! Hôm nay, tôi muốn tổ chức đại hội hiến tế, đem bảy trăm con bò mộng cột thành hàng nơi các trụ... (cho đến) vô số những sanh loại nhỏ bé đều được buộc chặt. Vì đây là đại hội hiến tế nên có nhiều chúng ngoại đạo từ các nước khác nhau đến tham dự. Tôi lại nghe Cù-đàm đang du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi dần đi đến ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ nên tôi đến thưa hỏi Cù-đàm về pháp đại hội hiến tế, số lượng các phẩm vật dùng để tổ chức, để đại hội hiến tế của tôi không bị thiếu sót.

Phật bảo Bà-la-môn:

– Có một loại đại hội hiến tế, tuy người chủ thực hành bố thí và làm phước nhưng lại sanh ra tội, bị đâm cắt bởi ba thứ đao kiếm, chuốc lấy quả báo xấu ác. Ba thứ đao kiếm là gì? Nghĩa là đao kiếm bởi thân, đao kiếm bởi miệng, đao kiếm bởi ý.

Thế nào là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ? Như người chủ tổ chức đại hội hiến tế suy nghĩ rằng: “Ta tổ chức đại hội hiến tế nên phải giết nhiều con bò mạnh khỏe, nhiều trâu đực, trâu cái, dê, nghé cùng vô số sanh loại khác.” Đó gọi là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ. Như vậy, tuy người thí chủ muốn làm các việc bố thí cúng dường, nhưng thật ra lại sanh thêm tội lỗi.

Thế nào là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ? Như người chủ tổ chức đại hội dạy bảo như vầy: “Hôm nay, ta tổ chức đại hội tế lễ, các ông hãy giết bấy nhiêu con trâu mạnh khỏe... (cho đến) giết hại vô số sanh loại nhỏ bé khác.” Đó gọi là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ. Người chủ đại hội tuy muốn bố thí, cúng dường nhưng thật ra lại sanh thêm tội lỗi.

Thế nào là đao kiếm bởi thân, sanh ra các quả báo khổ? Như người chủ tổ chức đại hội tế lễ, tự tay sát hại nhiều con trâu... (cho đến) giết hại vô số sanh loại nhỏ bé khác. Đó gọi là đao kiếm bởi thân, sanh ra các quả báo khổ. Người chủ đại hội kia tuy nghĩ đến việc bố thí, cúng dường nhưng thật ra lại sanh thêm tội lỗi.

Tuy nhiên, nếu Bà-la-môn nào siêng năng, tùy thời cúng dường, cung kính, lễ bái, phụng sự ba thứ lửa thì sự bố thí này đưa đến an vui. Là ba thứ lửa nào? Một là lửa cội nguồn, hai là lửa gia đình, ba là lửa phước điền.

Thế nào là lửa cội nguồn? Vì sao tùy thời cung kính, cúng dường, phụng sự [lửa cội nguồn] thì sự bố thí này đưa đến an vui? Nghĩa là người thiện nam nhờ siêng năng mà có được tiền của, do làm việc cần cù, khó nhọc bằng chân tay mà thu hoạch như pháp rồi đem cúng dường cha mẹ, làm cho cha mẹ được an vui. Đó gọi là lửa cội nguồn. Vì sao gọi là cội nguồn? Vì người thiện nam do cha mẹ sanh ra nên gọi cha mẹ là cội nguồn. Người thiện nam do tôn trọng cội nguồn, gốc rễ này nên tùy thời cung kính, phụng sự, cúng dường thì sự bố thí này đưa đến an vui.

Thế nào là lửa gia đình? Vì sao người thiện nam tùy thời nuôi dưỡng [lửa gia đình] thì sự bố thí ấy đưa đến an vui? Nghĩa là người thiện nam nhờ siêng năng mà có được tiền của, do làm việc cần cù, khó nhọc bằng chân tay mà thu hoạch như pháp rồi đem cung cấp cho vợ con, tôn thân quyến thuộc, người giúp việc, khách thương, tùy lúc chu cấp cho họ và đem lại an vui cho người thân. Đó gọi là lửa gia đình. Vì sao gọi là lửa gia đình? Vì người thiện nam sống trong gia đình, vui thì cùng vui, khổ thì cùng khổ, trong gia đình thì mọi việc đều tùy thuận và tương hỗ lẫn nhau, cho nên gọi là gia đình. Do đó, người thiện nam nên tùy thời cung cấp [lửa gia đình] thì sự bố thí ấy đưa đến an vui.

Thế nào là lửa phước điền? Vì sao người thiện nam tùy thời cung kính, tôn trọng, cúng dường [lửa phước điền] thì sự bố thí này đưa đến an vui? Nghĩa là người thiện nam nhờ siêng năng mà có được tiền của, do làm việc cần cù, khó nhọc bằng chân tay mà thu hoạch như pháp rồi đem phụng sự, cúng dường cho các Sa-môn, Bà-la-môn, những người khéo điều phục tham, sân, si. Cúng dường những Sa-môn, Bà-la-môn như thế là kiến lập ruộng phước, càng thêm tăng tiến, hiện tại an vui, được quả báo tốt, tương lai được “sanh lên cõi trời.” Đó gọi là lửa phước điền. Vì sao gọi là phước điền? Vì đó là phước điền cho thế gian, là người đáng được cúng dường nên gọi là phước điền. Do vậy, người thiện nam nên tùy thời cung kính, phụng sự, cúng dường thì sự bố thí ấy đưa đến an vui.

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Cội nguồn và gia đình,
Lửa ruộng phước nên cúng,
Cúng dường nhiều lửa ấy,
Đủ đầy, sống an vui.
Thế gian vui, không tội,
Người trí sanh về đó,
Như pháp mở hội thí,
Cúng dường nơi đáng cúng,
Vì cúng nơi đáng cúng,
Sanh cõi trời tiếng thơm.

Nhưng này Bà-la-môn, người thiện nam trước khi cúng dường thì nên đoạn trừ và dập tắt ba thứ lửa. Là ba thứ lửa nào? Đó là lửa tham dục, lửa sân hận và lửa ngu si. Vì sao như vậy?

Nếu lửa tham dục chưa được đoạn trừ, chưa bị dập tắt thì sẽ hại mình, hại người và hại cả hai; hiện tại đắc tội, đời sau đắc tội, hiện tại và đời sau đều đắc tội. Do duyên với tội lỗi nên tâm sanh ưu phiền, khổ não. Lửa sân hận và lửa ngu si cũng lại như vậy.

Này Bà-la-môn, nếu người thiện nam thờ phụng việc tích chứa củi lửa, tùy thời khổ nhọc, tùy thời đốt cháy, tùy thời tắt lửa [thì do] nhân duyên [này mà] phải chịu khổ.

Bấy giờ, Bà-la-môn Trường Thân đứng yên lặng.

Khi ấy, có vị Bà-la-môn tên là Uất-đa-la đang ngồi ở trong chúng. Bà-la môn Trường Thân yên lặng suy nghĩ trong phút chốc rồi bảo Uất-đa-la:

– Con hãy đi đến chỗ đại hội hiến tế rồi thả những con bò đực đang bị cột nơi những cây trụ và những sanh loại bị cột trói, tất cả đều thả ra hết. Sau đó, con hãy tuyên bố rằng: “Bà-la-môn Trường Thân cho phép các ngươi tùy ý tự tại thênh thang ở núi, đầm, đồng hoang... ăn cỏ tươi non, uống nước trong lành, bốn bề gió mát, hưởng mọi an lạc.”

Uất-đa-la thưa:

– Con xin vâng theo lời thầy[4] dạy!

Uất-đa-la liền đi đến chỗ đại hội hiến tế, thả hết sanh loại và tuyên bố: “Bà la-môn Trường Thân cho phép các ngươi tùy ý tự tại thênh thang ở núi, đầm, đồng hoang... ăn cỏ tươi non, uống nước trong lành, bốn bề gió mát, hưởng mọi an lạc.”

Sau khi Thế Tôn đã biết việc làm của Uất-đa-la, liền vì Bà-la-môn Trường Thân mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[5] Đúng theo luật, Thế Tôn thuyết pháp tuần tự trước sau, nói về trì giới, về bố thí và về công đức sanh lên cõi trời; nói về vị ngọt và tai họa của ái dục, về giải thoát, về thanh tịnh, về sự lắng sạch phiền não, Ngài đều chỉ dạy rõ ràng. Ví như tấm lụa trắng sạch thì rất dễ nhuộm màu, Bà-la-môn Trường Thân cũng như thế, ngay tại chỗ ngồi, thấy được bốn chân đế rồi chứng ngộ chân lý.[6]

Bấy giờ, Bà-la-môn Trường Thân thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt các nghi hoặc, đạt được giải thoát không do người khác, ở trong Chánh pháp được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục, bày vai phải rồi chắp tay bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, con đã được độ. Từ nay cho đến trọn đời con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ-kheo-tăng, nguyện làm ưu-bà-tắc, mong Ngài chứng tri cho con. Kính thỉnh Thế Tôn và đại chúng thọ nhận món ăn thức uống do con cúng dường!

Thế Tôn im lặng nhận lời.

Sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời thỉnh, Bà-la-môn Trường Thân đảnh lễ Phật rồi nhiễu quanh bên phải ba vòng và trở về.

Bà-la-môn Trường Thân trở về chỗ tế lễ, sửa soạn các thứ cúng dường thanh khiết, thơm ngon, sắp đặt giường ghế, chỗ ngồi xong, liền sai người đến thỉnh Phật:

– Thưa đã đúng giờ, xin Ngài biết cho!

Lúc ấy, Thế Tôn đắp y, ôm bát cùng với đại chúng đi đến đại hội của Bà-la môn Trường Thân rồi Ngài ngồi xuống trước đại chúng.

Bà-la-môn Trường Thân biết Thế Tôn đã an tọa, liền tự tay dâng cúng nhiều món ăn thức uống.

Sau khi thọ thực và đã súc miệng, rửa bát xong, Bà-la-môn ngồi riêng trên một chiếc ghế thấp ở trước đại chúng để nghe pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho Bà-la môn Trường Thân hoan hỷ rồi Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy rời đi.

***

 

Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.93. 0024b13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.259. 0464b14); A. 7.47 - IV. 41.

[2] Trường Thân (長身, Uggatasarīra).

[3] Nguyên tác: Đặc ngưu (特牛): Bò đầu đàn, bò chúa (usabha).

[4] Nguyên tác: Đại sư (大師, Satthā).

[5] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).

[6] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等, abhisamaya), chỉ cho việc tỏ ngộ hoàn toàn bốn Thánh đế rồi ngay đó chứng đắc quả vị Dự lưu.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.