Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 4

 

102. PHÁP CHIÊN-ĐÀ-LA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, đức Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực. Trong khi tuần tự khất thực, Ngài đi ngang qua nhà Bà-la-môn Bà-la đậu-bà-giá.[2] Lúc ấy, Bà-la-môn đang đứng bên cửa, tay cầm thìa gỗ đựng đầy thức ăn, sửa soạn cúng tế lửa. Từ xa trông thấy Phật đi đến, ông liền nói lớn:

– Dừng lại! Dừng lại! Này Chiên-đà-la,[3] chớ đến gần cửa nhà tôi.

Phật hỏi Bà-la-môn:

– Ông có biết Chiên-đà-la và pháp của Chiên-đà-la không?

Bà-la-môn đáp:

– Tôi không biết Chiên-đà-la và cũng không biết pháp của Chiên-đà-la. Vậy Sa-môn Cù-đàm có biết Chiên-đà-la và pháp của Chiên-đà-la không?

Phật bảo:

– Ta biết rõ về Chiên-đà-la và pháp của Chiên-đà-la.

Nghe thế, Bà-la-môn liền để những dụng cụ thờ lửa xuống, vội vàng trải tòa mời Thế Tôn ngồi rồi thưa:

– Bạch Cù-đàm, xin Ngài hãy nói cho tôi biết về Chiên-đà-la và pháp của Chiên-đà-la!

Đức Phật an tọa xong, liền nói kệ rằng:

Tâm sân ôm oán hận,
Che giấu các lỗi lầm,
Phạm giới, khởi ác kiến,
Dối trá không chân thật,
Những hạng người như vậy,
Đó là Chiên-đà-la.
Hung bạo, tham, bỏn xẻn,
Ác dục, keo, dối trá,
Không có tâm hổ thẹn,
Đó là Chiên-đà-la.
Đối với các sanh mạng,
Đều ra tay sát hại,
Chẳng có lòng xót thương,
Đó là Chiên-đà-la.
Hoặc giết, trói, đánh đập,
Khắp thôn làng, thành ấp,
Chửi mắng thật vô đạo,
Đó là Chiên-đà-la.
Dừng trú hoặc đi đường,
Dẫn đầu một số đông,
Gây khổ hàng thuộc hạ,
Đe dọa và áp bức,
Nhằm thủ lợi về mình,
Đó là Chiên-đà-la.
Nơi thôn làng, đồng trống,
Vật có chủ, không chủ,
Đều chiếm đoạt về mình,
Đó là Chiên-đà-la.
Phụ bạc vợ của mình,
Nhưng chẳng tìm kỹ nữ,
Mà xâm đoạt vợ người,
Đó là Chiên-đà-la.
Bạn bè cùng thân tộc,
Thiện tri thức đồng tâm,
Xâm phạm vật họ Thích,
Đó là Chiên-đà-la.
Nói dối lừa gạt người,
Lấy của không chứng cớ,
Người đòi lại không trả,
Đó là Chiên-đà-la.
Vì lợi mình lợi người,
Trách móc và gây sự,
Hoặc theo lời người ấy,
Nói dối để làm chứng,
Người vọng ngữ như vậy,
Đó là Chiên-đà-la.
Gây tạo nhiều việc ác,
Mà không ai hay biết,
Liền che giấu tội ác,
Đó là Chiên-đà-la.
Nếu người hỏi nghĩa này,
Lại đáp lời vô nghĩa,
Nói sai lệch, dối người,
Đó là Chiên-đà-la.
Trống rỗng, không biết gì,
Mà khinh chê người trí,
Ngu si, chỉ biết lợi,
Đó là Chiên-đà-la.
Ngạo mạn tự khoe khoang,
Thường chê bai người khác,
Thật kiêu mạn thấp hèn,
Đó là Chiên-đà-la.
Tự tạo bao lỗi lầm,
Lại vu oan người khác,
Nói dối, chê người hiền,
Đó là Chiên-đà-la.
Trước nhận lợi dưỡng người,
Khi cần, người ấy đến,
Không có lòng đền đáp,
Đó là Chiên-đà-la.
Sa-môn, Bà-la-môn,
Như pháp đến khất thực,
Không cho còn trách mắng,
Đó là Chiên-đà-la.
Khi cha mẹ tuổi già,
Khí lực đã kém suy
Không chăm lo phụng dưỡng,
Đó là Chiên-đà-la.
Trước mẹ cha, tôn trưởng,
Anh em và quyến thuộc,
Dù chưa chứng La-hán,
Tự xưng A-la-hán,
Là giặc lớn thế gian,
Đó là Chiên-đà-la.
Sanh vào dòng cao quý,
Học sách Bà-la-môn,
Lại ở dòng dõi đó,
Thường làm các nghiệp ác,
Không vì dòng cao quý,
Mà tránh được đường ác,
Hiện tại bị chê trách,
Đời sau sa nẻo ác.
Sanh nhà Chiên-đà-la,
Đời gọi Tu-đà-di,[4]
Nổi danh khắp thiên hạ,
Chiên-đà-la thấp hèn,
Bà-la-môn, Sát-lợi,
Đại tộc, đều cúng dường.
Nương theo đường Tịnh thiên,
Sống bình đẳng chân thật,
Chẳng vì dòng thấp hèn,
Không sanh cõi Phạm thiên,
Hiện tại tiếng thơm lưu,
Đời sau sanh cõi lành,
Hiện tại tiếng thơm lưu,
Đời sau sanh cõi lành,
Cả hai, ông nên biết,
Như Lai đã chỉ bày,
Không phải do dòng họ,
Mà trở thành tiện dân.
Không phải do dòng họ,
Mà thành Bà-la-môn.
Nghiệp ác là tiện dân,
Nghiệp thiện, Bà-la-môn.
Bà-la-môn bạch Phật:
Đúng vậy, Đại Tinh Tấn!
Đúng vậy, Đại Mâu-ni!
Không do nơi dòng họ,
Mà gọi Chiên-đà-la,
Không do nơi dòng họ,
Mà thành Bà-la-môn,
Nghiệp ác, thành tiện dân,
Nghiệp thiện, Bà-la-môn.

Bấy giờ, Bà-la-môn thờ lửa Bà-la-đậu-bà-giá càng thêm tín tâm, liền lấy bát đựng đầy thức ăn thơm ngon dâng lên Thế Tôn. Đức Thế Tôn không nhận, vì sự cúng dường này xuất phát từ việc Ngài đã dạy bài kệ. Như trong bài kệ đã nói ở trước.
Khi ấy, Bà-la-môn thờ lửa Bà-la-đậu-bà-giá thấy thức ăn hiện ra điềm lạ thì lòng tin của ông đối với Phật càng tăng. Ông liền thưa đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nay con có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật[5] này xuất gia và thọ giới Cụ túc được không?

Phật dạy:

– Ông có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật của Như Lai xuất gia và thọ giới Cụ túc.

Sau khi được xuất gia rồi, Bà-la-môn liền sống một mình ở nơi thanh vắng, lặng lẽ tư duy (như đã nói trong kinh số 98... cho đến) đắc quả A-la-hán, tâm được giải thoát.

Khi Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá đã đắc A-la-hán, tâm được giải thoát, tự thân chứng pháp hỷ lạc, liền nói kệ:

Trái đạo, cầu thanh tịnh,
Cúng dường tế tự lửa,
Không biết đạo thanh tịnh,
Như người mù bẩm sinh.
Nay được pháp an lạc,
Xuất gia thọ Cụ túc,
Chứng đạt được Ba minh.
Hành theo lời Phật dạy,
Trước khổ hạnh Phạm chí,[6]
Nay là Bà-la-môn,
Đã tắm sạch bụi nhơ,
Vượt cõi trời, giải thoát.[7]

***

 

Chú thích:
[1]Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.102. 0028b19). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.268. 0467b27); Sn. 1.7 - 21.

[2] Bà-la-đậu-bà-giá (婆羅豆婆遮, Bhāradvāja).

[3] Nguyên tác: Lãnh-quần-đặc (領群特), chỉ cho người chăn bò, hạng hạ tiện, đồng nghĩa với Chiên đà-la, giai cấp cùng đinh. Tham chiếu: Sn. 1.7 - 21. Theo Pali-Dictionary Vipassana Research Institute, vasā nghĩa là một con bò già. Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.268. 0467c02) gọi là Chiên-đà-la (旃陀羅).

[4] Nguyên tác: Tu-đà-di (須陀夷). Tham chiếu: Sn. 1.7 - 21. Có vị Chiên-đà-la tên là Mātanga được vương công quý tộc trọng thị, cúng dường. Câu chuyện được trình bày chi tiết trong J. V. 497.

[5] Chánh pháp, Luật (正法律, Dhamma Vinaya): Pháp và Luật, 2 nền tảng quan trọng đầu tiên của Phật giáo trong thời kỳ đầu.

[6] Nguyên tác: Tiên Bà-la-môn nạn (先婆羅門難).

[7] Bản Hán, hết quyển 4.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.