Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 3

 

64. PHÁP CÚ[1]

 

Tôi nghe như vầy;

Một thời, đức Phật trú tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên,[2] thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, sau thời tọa thiền buổi chiều, Thế Tôn đến giảng đường rồi trải tòa ngồi giữa giảng đường ở trước đại chúng. Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ Pháp cú[3] để khen ngợi:

Pháp không có tự ngã, 
Cũng chẳng có ngã sở,
Ngã vốn đã không có,
Ngã sở do gì sanh?                  
Tỳ-kheo rõ việc đó, 
Đoạn hạ phần kiết sử.

Lúc ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất rồi chắp tay bạch Phật

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là: “Không có tự ngã, cũng chẳng có ngã sở, ngã vốn đã không có, ngã sở do gì sanh? Tỳ-kheo rõ việc đó, đoạn hạ phần kiết sử”?

Đức Phật bảo Tỳ-kheo:

– Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết nên chấp sắc là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành và thức cũng chấp là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau.

Vị Thánh đệ tử đa văn không thấy sắc là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành và thức cũng không thấy là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau; cũng chẳng phải là người biết, cũng chẳng phải là người thấy.

Sắc này là vô thường. Thọ, tưởng, hành và thức đều là vô thường. Sắc là khổ. Thọ, tưởng, hành và thức đều là khổ. Sắc là vô ngã. Thọ, tưởng, hành và thức đều là vô ngã. Sắc này sẽ không tồn tại. Thọ, tưởng, hành và thức sẽ không tồn tại. Sắc này hư hoại. Thọ, tưởng, hành và thức đều hư hoại. Cho nên chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Ngã và ngã sở sẽ không tồn tại. Người nào hiểu rõ như vậy thì chắc chắn sẽ đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy bạch Phật:– Bạch Thế Tôn! Đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử rồi, làm thế nào để dứt sạch các lậu hoặc, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong đời hiện tại tự thân tác chứng, thành tựu an trú rồi biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Chúng sanh phàm phu mê muội thiếu hiểu biết nên ở nơi không sợ hãi mà sanh ra sợ hãi.

Chúng sanh phàm phu mê muội thiếu hiểu biết nên sợ hãi rằng không có ngã, không có ngã sở, hoặc cả hai sẽ không sanh khởi, bám víu vào bốn chỗ thức trụ.[4] Những gì là bốn? Đó là thức trụ trong sắc, bám víu sắc, ưa thích sắc để tăng thêm, rộng lớn, sanh trưởng. Cũng vậy, thức trụ nơi thọ, tưởng, hành rồi bám víu, ưa thích để tăng thêm, rộng lớn, sanh trưởng.

Này Tỳ-kheo! Thức ở chỗ này, hoặc đến, hoặc đi, hoặc trụ lại, hoặc sanh khởi, hoặc diệt mất, hoặc tăng thêm, rộng lớn, sanh trưởng. Nếu nói như vầy: Lại có pháp khác, thức hoặc đến, hoặc đi, hoặc trụ lại, hoặc sanh khởi, hoặc diệt mất, hoặc tăng thêm, rộng lớn, sanh trưởng thì đó chỉ là lời nói suông, nếu như vặn hỏi thì sẽ không biết, chỉ làm tăng thêm sự mê mờ, vì không ở trong cảnh giới đó vậy.

Vì sao như vậy? Này Tỳ-kheo! ! Khi đã lìa tham nơi sắc giới rồi thì sự trói buộc được sanh ra do thức[5] đối với sắc cũng đoạn trừ; sự trói buộc được sanh ra do thức đối với sắc được đoạn trừ rồi thì duyên bám víu vào thức cũng bị cắt đứt, thức không còn nơi để trụ nữa, cũng không thể tăng thêm, rộng lớn, sanh trưởng. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành giới mà lìa tham rồi thì sự trói buộc được sanh ra do thức đối với thọ, tưởng, hành cũng đoạn trừ. Sự trói buộc được sanh ra do thức đối với thọ, tưởng, hành đã đoạn trừ rồi thì sự bám víu cũng bị cắt đứt, thức không còn nơi để trụ, cũng không tăng thêm, rộng lớn, sanh trưởng trở lại. Vì thức không còn nơi để trụ nên không tăng thêm; do không tăng thêm nên không còn tạo tác; do không còn tạo tác nên an trụ; do an trụ nên biết đủ; do biết đủ nên được giải thoát; do giải thoát nên đối với các pháp thế gian không còn chấp thủ; do không chấp thủ nên không đắm trước; do không đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Này Tỳ-kheo! Ta nói, thức không trụ ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương, phương trên và phương dưới, đã trừ dục, thấy pháp, Niết-bàn, diệt tận, vắng lặng, mát mẻ. Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Sanh diệt dĩ bất lạc,

Tham trước đẳng quán sát,

Cập tam chủng phân biệt,

Thị danh Ưu-đà-na.[6]

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.64. 0016c04). Tham chiếu: S. 22.55 - III. 55.

[2] Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂). Xem chú thích 121, kinh số 58, quyển 2, tr. 62; Tạp. 雜 (T.02. 0099.58. 0014b12).

[3] Nguyên tác: Ưu-đà-na (優陀那, Udāna), một trong 9 hoặc 12 thể tài kinh điển, dịch ý là Tự nhiên, Pháp cú, Tự thuyết hoặc Vô vấn tự thuyết, cũng có nghĩa là Nhiếp tụng, Tổng nhiếp, tức bài kệ cô đọng, tóm tắt nội dung bản kinh

[4] Nguyên tác: Tứ thức trụ (四識住). Xem chú thích 28, kinh số 39, quyển 2, tr. 39; Tạp. 雜 (T.02. 0099.39. 0009a06).

[5] Nguyên tác: Ý (意). Trong 4 bộ A-hàm, ba chữ “tâm”, “ý” và “thức” thường sử dụng lẫn lộn. Trường hợp này chính là chữ “thức” (識)

[6] Nguyên tác Nhiếp tụng: 生滅以不樂; 及三種分別; 貪著等觀察; 是名優陀那. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.