Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 3

 

63. VÔ MINH DIỆT THÌ MINH SANH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có năm thủ uẩn. Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn. Này các Tỳ-kheo! Nếu Sa-môn hay Bà-la-môn nào chấp có ngã thì hết thảy đều chấp năm thủ uẩn này là ngã. Những gì là năm? Các Sa-môn hay Bà-la-môn đối với sắc thấy là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, họ cũng thấy là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau.

Như vậy, phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, do chấp ngã, vô minh phân biệt nên quán sát như thế, không lìa ngã sở. Do không lìa ngã sở nên các căn sanh khởi;[2] do các căn sanh khởi nên xúc sanh khởi; do sáu xúc duyên vào các đối tượng của xúc[3] nên phàm phu mê muội thiếu hiểu biết sanh ra khổ, vui; từ đó mà sanh khởi những pháp khác, đó là sáu loại xúc. Những gì là sáu? Đó là nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xúc.

Này các Tỳ-kheo! Có ý giới, pháp giới và vô minh giới.[4] Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, do sự tiếp xúc với vô minh[5] nên cho là có, cho là không, cho là vừa có vừa không, cho là chẳng phải có chẳng phải không, cho là ta tối thắng, cho là ta bằng, ta biết, ta thấy.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Vị Thánh đệ tử đa văn ở nơi sáu xúc[6] nhưng có thể nhàm chán mà xa lìa vô minh rồi sanh khởi minh. Vị ấy lìa dục đối với vô minh mà sanh khởi minh: Chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải vừa có vừa không, chẳng phải chẳng có chẳng không, chẳng có ta hơn, chẳng có ta kém, chẳng có ta bằng, ta biết, ta thấy. Khi biết như vậy, thấy như vậy thì sự tiếp xúc với vô minh đã khởi từ trước diệt mất, sự tiếp xúc với minh về sau sanh khởi.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.63. 0016b13). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.45. 0011b01); S. 22.47 - III. 46.

[2] Nguyên tác: Nhập ư chư căn (入於諸根). Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.45. 0011b08), “chư căn tăng trưởng” (諸根增長) chỉ cho sự hình thành ngũ căn, sự sinh thành.

[3] Nguyên tác: Sở xúc (所觸).

[4] Xem chú thích 67, kinh số 45, quyển 2, tr. 49; Tạp. 雜 (T.02. 0099.45. 0011b12).

[5] Xem chú thích 68, kinh số 45, quyển 2, tr. 49; Tạp. 雜 (T.02. 0099.45. 0011b13)

[6] Nguyên tác: Lục xúc nhập xứ (六觸入處), còn gọi là “lục xúc xứ” (六觸處)

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.