Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 3

 

61. TÍNH CHẤT CỦA NĂM THỦ UẨN[1] 

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có năm thủ uẩn.[2] Những gì là năm? Đó là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn.

Thế nào là sắc thủ uẩn? Những gì thuộc về sắc là bao gồm tất cả bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, đó gọi là sắc thủ uẩn.

Lại nữa, sắc ấy là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi. Nếu sắc thủ uẩn kia được đoạn diệt hoàn toàn, rốt ráo lìa bỏ, diệt tận, lìa dục, tịch lặng thì sắc thủ uẩn khác không còn nối tiếp, không sanh khởi, không xuất hiện. Đó gọi là vi diệu, đó gọi là vắng lặng, đó gọi là xả ly, sạch hết tất cả những nhiễm trước, không còn tham dục, được diệt tận, Niết-bàn.

Thế nào là thọ thủ uẩn? Nghĩa là sáu loại thọ.[3] Những gì là sáu? Đó là thọ sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra thọ, đó gọi là thọ thủ uẩn.

Lại nữa, thọ thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi... (cho đến) được diệt tận, Niết-bàn.

Thế nào là tưởng thủ uẩn? Nghĩa là sáu loại tưởng.[4] Những gì là sáu? Đó là tưởng sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt... (cho đến) tưởng sanh khởi do sự tiếp xúc của ý, đó gọi là tưởng thủ uẩn.

Lại nữa, tưởng thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi... (cho đến) được diệt tận, Niết-bàn.

Thế nào là hành thủ uẩn? Có sáu loại tư.[5] Những gì là sáu? Đó là, tư sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt... (cho đến) tư sanh khởi do sự tiếp xúc của ý, đó gọi là hành thủ uẩn.

Lại nữa, hành thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi... (cho đến) được diệt tận, Niết-bàn.

Thế nào là thức thủ uẩn? Có sáu loại thức.[6] Những gì là sáu? Đó là nhãn thức... (cho đến) ý thức, đó gọi là thức thủ uẩn.

Lại nữa, thức thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi... (cho đến) được diệt tận, Niết-bàn.

Này các Tỳ-kheo! Nếu đối với giáo pháp này mà dùng trí tuệ tư duy, quán sát, phân biệt để rồi tiếp thọ, đó gọi là Tùy tín hành,[7] được vượt thoát, lìa súc sanh,[8] vượt khỏi hàng phàm phu, tuy chưa chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn[9] nhưng nếu không chết giữa chừng thì chắc chắn đạt được quả vị Tu-đà-hoàn.

Này các Tỳ-kheo! Nếu đối với giáo pháp này mà dùng trí tuệ cao thượng[10] quán sát, tư duy để rồi tiếp thọ, đó gọi là Tùy pháp hành,[11] được vượt thoát, lìa súc sanh, vượt khỏi hàng phàm phu, tuy chưa chứng quả vị Tu-đà-hoàn nhưng nếu không chết giữa chừng thì chắc chắn đạt được quả vị Tu-đà-hoàn.

Này các Tỳ-kheo! Đối với giáo pháp này mà thấy như thật với chánh tuệ và chánh kiến thì biết rõ và đoạn trừ sạch ba kiết sử, đó là thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là quả vị Tu-đà-hoàn, không bị đọa vào đường ác, chắc chắn sẽ thành Chánh giác,[12] bảy lần qua lại trong cõi trời và loài người rồi về sau mới vượt thoát khổ đau.

Này các Tỳ-kheo! Nếu đối với giáo pháp này mà thấy như thật với chánh tuệ và chánh kiến, không khởi tâm phiền não, đó gọi là A-la-hán, các lậu hoặc đã dứt sạch, việc cần làm đã làm xong, buông bỏ gánh nặng, chính mình được lợi ích,[13] dứt sạch các kiết sử, đưa đến tái sanh,[14] có chánh trí, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.61. 0015c14)

[2] Nguyên tác: Thọ ấm (受陰).

[3] Nguyên tác: Lục thọ thân (六受身).

[4] Nguyên tác: Tưởng thân (想身).

[5] Nguyên tác: Lục tư thân (六思身).

[6] Nguyên tác: Lục thức thân (六識身).

[7] Nguyên tác: Tùy tín hành (隨信行, Saddhānusārī). Hành giả lấy tín tâm làm căn bản để tu tập, đang trên lộ trình chuẩn bị chứng đắc quả vị Dự lưu. Tùy tín hành là vị có tín căn mạnh.

[8] Nguyên tác: Ly sanh (離生). Sanh (生) dùng như chữ sanh (牲). Tham chiếu: A. 10.92 - V. 182: Ta đã đoạn tận địa ngục; ta đã đoạn tận bàng sanh; ta đã đoạn tận ngạ quỷ; ta đã đoạn tận các cõi dữ, ác thú, đọa xứ; ta đã chứng Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng đạt cứu cánh giác ngộ (HT. Thích Minh Châu dịch).

[9] Nguyên tác: Tu-đà-hoàn (須陀洹), tức Sơ quả (初果), Đệ nhất quả (第一果), còn gọi là Nhập lưu (入流) hay Dự lưu (預流).

[10] Nguyên tác: Tăng thượng trí tuệ (增上智慧, adhipaññā): Trí tuệ cao thượng.

[11] Tùy pháp hành (隨法行, Dhammānusārī). Hành giả dùng trí tuệ tư duy, quán sát giáo pháp để tu tập, đã vượt khỏi địa vị phàm phu, đang trên lộ trình chứng đắc quả vị Dự lưu. Tùy pháp hành là vị có tuệ căn mạnh. Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.40. 0349b06) giải thích: Bậc lợi căn, gọi là Tùy pháp hành, hạng người này do suy tư, lý giải giáo pháp mà chứng đạo nên gọi là Tùy pháp hành (利根者名 隨法行, 是人分別諸法故得道, 是名隨法行).

[12] Nguyên tác: Tam-bồ-đề (三菩提, Sambodhi).

[13] Nguyên tác: Đãi đắc kỷ lợi (逮得己利). Sa-môn Nhị Thập Ức kinh 沙門二十億經 (T.01. 0026.123. 0612b15) ghi là “tự đắc thiện nghĩa” (自得善義); Thanh tịnh kinh 請請經 (T.01. 0026.121. 0610b16) ghi là “nhi đắc thiện nghĩa” (而得善義).

[14] Nguyên tác: Hữu kiết (有結, bhavasaṃyojana): Phiền não dẫn đến tái sanh, trói buộc vào tái sanh.

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.