Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 3

 

83. THẤY BIẾT NHƯ THẬT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, thuộc nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

– Vị Thánh đệ tử đa văn nhờ vào đâu mà thấy chẳng có ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau? Tức là phải quán sát chân chánh, bình đẳng[2] như thế nào để thấy biết như thật?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con! Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy. Vị Thánh đệ tử đa văn đối với sắc thấy chẳng có ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau, đó gọi là quán sát đúng như thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Đức Phật lại hỏi các Tỳ-kheo:

– Sắc là thường hay vô thường?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, vô thường!

Đức Phật lại hỏi:

– Những gì vô thường là khổ chăng?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Là khổ, bạch Thế Tôn!

– Này các Tỳ-kheo! Nếu những gì vô thường là khổ, là pháp đổi thay thì vị Thánh đệ tử đa văn có nên ở trong đó thấy có ngã, khác ngã, tồn tại trong nhau chăng?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Không nên, bạch Thế Tôn!

Đức Phật dạy:

– Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Vì thế, này các Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc tương lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì tất cả đều chẳng có ngã, chẳng khác ngã, chẳng tồn tại trong nhau; đó gọi là quán sát đúng như thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Vị Thánh đệ tử đa văn quán sát như thế rồi thì đối với sắc được giải thoát; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát. Ta nói người ấy giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não; tức là giải thoát khỏi một khối khổ lớn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.83. 0021b14).

[2] Nguyên tác: Như thị bình đẳng chánh quán (如是平等正觀).

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.