Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, thuộc thành Tỳ-xá-ly.[2]
Khi ấy, có người thuộc dòng Ly-xa, tên là Ma-ha-nam[3] hằng ngày thường đi đến chỗ Phật. Ngày nọ, Ly-xa Ma-ha-nam nghĩ thầm: “Hôm nay, nếu ta đến chỗ Thế Tôn sớm thì Ngài và các vị Tỳ-kheo mà ta quen biết đều đang tọa thiền; vậy bây giờ ta nên đến trú xứ của ngoại đạo tà mạng[4] ở nơi bảy cây am-la.” Rồi Ma-ha-nam liền đến chỗ đó, là trú xứ của Phú-lan-na Ca-diếp.[5]
Bấy giờ, năm trăm đồ chúng ngoại đạo đang vây quanh giáo chủ Phú-lan-na Ca-diếp, đùa cợt ồn náo, bàn luận thế tục. Từ xa trông thấy Ly-xa Ma-ha-nam đi đến, Phú-lan-na Ca-diếp liền bảo quyến thuộc cần giữ yên lặng: “Các ông hãy im lặng! Ly-xa Ma-ha-nam này là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm. Vị này là đệ tử áo trắng[6] của Sa-môn Cù-đàm, là bậc thượng thủ nơi thành Tỳ-xá-ly. Ông ấy thường ưa tĩnh lặng, khen ngợi tĩnh lặng, chỗ ông ấy đến là chỗ có đồ chúng tĩnh lặng, vì thế các ông hãy nên tĩnh lặng.”
Ma-ha-nam đến chỗ đồ chúng Phú-lan-na, ân cần hỏi thăm nhau rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Ma-ha-nam hỏi Phú-lan-na rằng:
– Tôi nghe giáo chủ Phú-lan-na nói pháp cho chúng đệ tử như vầy: “Không nhân, không duyên khiến chúng sanh có cấu uế; không nhân, không duyên khiến chúng sanh được thanh tịnh.” Thế gian đang truyền luận thuyết này. Ông xét kỹ xem, luận thuyết này có phải là lời lẽ của người ngoài vu báng ông chăng? Người đời vẽ vời ra như thế, là đúng pháp hay phi pháp, có ai cùng ông bàn cãi, chất vấn hay chê trách gì không?
Phú-lan-na Ca-diếp đáp:
– Thật sự có luận thuyết này, chẳng phải người đời dối truyền. Tôi lập ra luận này, là luận đúng như pháp; tôi nói ra pháp này, đều tùy thuận theo pháp, không có người đời nào đến chất vấn hay chỉ trích gì cả. Vì sao như vậy? Này Ma-ha nam! Tôi thấy như thế và nói như thế: “Không nhân, không duyên khiến chúng sanh có cấu uế; không nhân, không duyên khiến chúng sanh được thanh tịnh.”
Ma-ha-nam nghe Phú-lan-na nói như vậy thì không hài lòng, liền quở trách rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi thẳng đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Ngài, ngồi sang một bên rồi đem việc luận nghị cùng Phú-lan-na thuật lại với đức Phật.
Đức Phật bảo Ly-xa Ma-ha-nam:
– Phú-lan-na nói theo ý mình, không đáng ghi nhận. Phú-lan-na thật là si mê, không hiểu, bất thiện, phi lý khi nói “không nhân, không duyên khiến chúng sanh có cấu uế; không nhân, không duyên khiến chúng sanh được thanh tịnh.” Vì sao như vậy? Vì có nhân, có duyên khiến chúng sanh có cấu uế; có nhân, có duyên khiến chúng sanh được thanh tịnh.
Này Ma-ha-nam! Do nhân gì, duyên gì khiến chúng sanh có cấu uế; do nhân gì, duyên gì khiến chúng sanh được thanh tịnh? Ma-ha-nam! Nếu sắc chỉ toàn là khổ, chẳng vui, chẳng đưa đến vui, chẳng nuôi lớn niềm vui, xa lìa niềm vui thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh khởi đắm nhiễm lạc thú. Ma-ha nam! Do sắc chẳng phải chỉ toàn là khổ mà là vui, đưa đến vui, nuôi lớn niềm vui, không lìa niềm vui, thế nên chúng sanh nhiễm trước nơi sắc; vì nhiễm trước nên bị ràng buộc, bị ràng buộc nên có phiền não.
Này Ma-ha-nam! Nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ toàn là khổ, chẳng vui, chẳng đưa đến vui, chẳng nuôi lớn niềm vui, xa lìa niềm vui thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh khởi đắm nhiễm lạc thú. Ma-ha-nam! Do thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải chỉ toàn là khổ mà là vui, đưa đến vui, nuôi lớn niềm vui, không lìa niềm vui, thế nên chúng sanh nhiễm trước nơi thọ, tưởng, hành, thức; vì nhiễm trước nên bị ràng buộc, bị ràng buộc nên có phiền não. Này Ma-ha nam! Đó gọi là có nhân, có duyên khiến chúng sanh có cấu uế vậy.
Này Ma-ha-nam! Do nhân gì, duyên gì khiến chúng sanh được thanh tịnh? Ma-ha-nam! Nếu sắc chỉ toàn là vui, chẳng khổ, chẳng đưa đến khổ, chẳng nuôi lớn ưu khổ, xa lìa ưu khổ thì chúng sanh đã không nhàm chán nơi sắc. Này Ma ha-nam! Vì sắc chẳng phải chỉ toàn là vui mà là khổ, đưa đến khổ, nuôi lớn ưu khổ, không lìa ưu khổ, thế nên chúng sanh nhàm chán nơi sắc; vì nhàm chán nên chẳng vui thích, vì chẳng vui thích nên được giải thoát.
Này Ma-ha-nam! Nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ toàn là vui, chẳng khổ, chẳng đưa đến khổ, chẳng nuôi lớn ưu khổ, xa lìa ưu khổ thì chúng sanh đã không do thọ, tưởng, hành, thức mà sanh khởi nhàm chán. Này Ma-ha-nam! Vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải chỉ toàn là vui mà là khổ, đưa đến khổ, nuôi lớn ưu khổ, không lìa ưu khổ, thế nên chúng sanh đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi nhàm chán; vì nhàm chán nên chẳng vui thích, chẳng vui thích nên được giải thoát. Này Ma-ha-nam! Đó gọi là có nhân, có duyên khiến chúng sanh được thanh tịnh.
Bấy giờ, Ma-ha-nam nghe Phật dạy xong, đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi lui ra.
*
Kệ tóm tắt:
Tri pháp cập Trọng đảm,
Sanh cập dữ Lược thuyết,
Vãng nghệ, Quán, Dục tham,
Pháp ấn, Phú-lan-na.[7]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.81. 0020b28). Tham chiếu: S. 22.60 - III. 68.
[2] Nguyên tác: Tỳ-da-ly (毘耶離, Vesālī).
[3] Ma-ha-nam (摩訶男, Mahānāma). Theo S. 22.60 - III. 68: Mahāli, một thủ lĩnh của thị tộc Licchavi. Bản Hán nhầm vì Ma-ha-nam (摩訶男) thuộc thị tộc Sākya.
[4] Nguyên tác: A-kỳ-tỳ (阿耆毘), cũng gọi là “A-kỳ-tỳ-già” (阿耆毘伽). Theo Phiên dịch danh nghĩa tập 翻譯名義集 (T.54. 2131.6. 1151a24), ông là ngoại đạo tà mạng (ājivika). Tuy nhiên theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.573. 0152a24), “A-kỳ-tỳ” (阿耆毘) cũng chỉ cho ngoại đạo lõa hình (acela). Ở đây chỉ ông Phú-lan-na Ca-diếp.
[5] Phú-lan-na Ca-diếp (富蘭那迦葉, Pūraṇa Kassapa).
[6] Nguyên tác: Bạch y đệ tử (白衣弟子): Đệ tử tại gia
[7] Nguyên tác Nhiếp tụng: 知法及重擔; 往詣, 觀, 欲貪; 生及與略說; 法印, 富蘭那. Nhiếp tụng này ghi lại tên các bài kinh từ 72 đến 81, nhưng lại thiếu kinh số 75. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.