Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ giảng nói về pháp ấn của bậc Thánh và tri kiến thanh tịnh. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ!
Nếu có Tỳ-kheo nói như vầy: “Tôi tuy chưa đạt được định Không,[2] nhưng lại sanh khởi định Vô tướng, Vô sở hữu, được tri kiến lìa kiêu mạn” thì chớ nói như thế. Vì sao như vậy? Vì nếu chưa đạt được Không mà cho rằng ta đã đạt được Vô tướng, Vô sở hữu, tri kiến lìa kiêu mạn thì việc này không thể xảy ra.
Nếu có Tỳ-kheo nói như vầy: “Tôi đã đạt được Không, có thể sanh khởi định Vô tướng, Vô sở hữu và tri kiến lìa kiêu mạn”, đây là lời khéo nói. Vì sao như vậy? Nếu đã đạt được Không thì có thể sanh khởi Vô tướng, Vô sở hữu, tri kiến lìa kiêu mạn thì điều này chắc chắn như vậy.
Thế nào là Thánh đệ tử đạt được tri kiến thanh tịnh?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu vị Tỳ-kheo ở nơi nhàn vắng hay ngồi bên gốc cây mà khéo quán sát sắc là vô thường, hoại diệt, là pháp lìa dục; cũng như vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, hoại diệt, là pháp lìa dục. Quán sát các uẩn kia là vô thường, hoại diệt, không bền chắc, là pháp biến đổi thì tâm sẽ an lạc, thanh tịnh, giải thoát, đó gọi là Không. Người quán sát như thế tuy chưa lìa kiêu mạn nhưng có tri kiến thanh tịnh.
Lại nhờ thiền định, chân chánh tư duy rồi quán sát sự đoạn diệt của tướng sắc; quán sát sự đoạn diệt của tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Vô tướng. Người quán sát như thế tuy chưa lìa kiêu mạn nhưng có tri kiến thanh tịnh.
Lại nhờ thiền định, chân chánh tư duy rồi quán sát sự đoạn diệt của tướng tham, sự đoạn diệt của tướng sân, sự đoạn diệt của tướng si. Đó gọi là Vô sở hữu. Người quán sát như thế tuy chưa lìa kiêu mạn nhưng có tri kiến thanh tịnh.
Lại nhờ thiền định, chân chánh tư duy rồi quán sát ngã và ngã sở từ đâu mà sanh khởi?
Lại nhờ thiền định, chân chánh tư duy rồi quán sát ngã, ngã sở từ sự thấy, nghe, hoặc ngửi, hoặc nếm, hoặc xúc chạm, hoặc nhận biết mà sanh khởi.
Lại quán sát như vầy: “Hoặc do nhân, do duyên mà thức sanh khởi; nhân ấy, duyên ấy thảy đều vô thường.”
Lại nữa, nhân ấy, duyên ấy thảy đều vô thường, thức được sanh ra bởi chúng làm sao mà thường được.
Vô thường là pháp hữu vi, tạo tác, từ duyên khởi sanh. Đó là pháp tai họa, pháp hoại diệt, pháp lìa dục, pháp đoạn tri.[3] Đây gọi là pháp ấn của bậc Thánh và tri kiến thanh tịnh.
Này các Tỳ-kheo! Như vậy là nói về pháp ấn của bậc Thánh và tri kiến thanh tịnh, đã giảng nói rộng rãi như thế.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.80. 0020a25). Tham chiếu: Thánh pháp ấn kinh 聖法印經 (T.02. 0103.1. 0500a04).
[2] Nguyên tác: Không tam-muội (空三昧), tức Không định (空定, Suññato samādhi).
[3] Nguyên tác: Đoạn tri (斷知), còn gọi là “đoạn biến tri” (斷遍知), nhận thức toàn diện về sự đoạn trừ, tức đã đoạn trừ triệt để. P. pahāna-pariññā.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.