Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm thủ uẩn. Những gì là năm? Đó là sắc thủ uẩn, [thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn].
Này các Tỳ-kheo! Đối với sắc mà nhàm chán, lìa dục, tịch diệt, không còn sanh khởi, được giải thoát, đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nhàm chán, lìa dục, tịch diệt, không còn sanh khởi, được giải thoát, đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.
Tỳ-kheo đối với sắc cũng nhàm chán, lìa dục, tịch diệt, đó gọi là bậc A-la hán được giải thoát nhờ trí tuệ. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nhàm chán, lìa dục, tịch diệt, đó gọi là bậc A-la-hán được giải thoát nhờ trí tuệ.
Này các Tỳ-kheo! Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác và A-la-hán được giải thoát nhờ trí tuệ có gì khác biệt?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy. Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác dù chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, vì muốn khai mở sự giác ngộ cho hàng đệ tử[2] ở đời sau mà nói các pháp như bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi.
Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc đạt được điều chưa đạt, được lợi ích với điều chưa lợi ích, là bậc biết rõ con đường, phân biệt về con đường, giảng nói về con đường, thông suốt về con đường, lại có thể tác thành, giáo hóa, khuyên răn hàng đệ tử, khiến họ hoàn toàn tuân theo những lời dạy đó rồi sống an vui trong thiện pháp.[3] Đó gọi là sự khác biệt giữa Như Lai và A-la-hán.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.75. 0019b21). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.684. 0186b26); S. 22.58 - III. 65.
[2] Nguyên tác: Thanh văn (聲聞, Sāvaka), vừa có nghĩa là bậc nghe nhiều vừa có nghĩa là hàng đệ tử.
[3] Đoạn kinh này chưa sáng tỏ. Xem thêm ý kinh tương tự ở kinh số 684; Tạp. 雜 (T.02. 0099.684. 0186b26).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.