Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ giảng nói về gánh nặng, giữ lấy gánh nặng, buông bỏ gánh nặng và kẻ mang gánh nặng. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy.
Thế nào là gánh nặng? Đó là năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
Thế nào là giữ lấy gánh nặng? Khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia.Thế nào là buông bỏ gánh nặng? Nếu khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia đã bị đoạn trừ hoàn toàn, đã diệt trừ, đã nhổ bỏ, đã trừ sạch, ly dục, tịch tĩnh, ngưng nghỉ.
Thế nào là kẻ mang gánh nặng? Đó là con người. Là người này có tên như vậy, sanh ra như vậy, dòng dõi như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ vui như vậy,
sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng có giới hạn như vậy. Đó gọi là gánh nặng, giữ lấy gánh nặng, buông bỏ gánh nặng và người mang gánh nặng.
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:
Đã buông gánh nặng rồi,
Gánh nặng là khổ thôi,
Nếu đoạn tất cả ái,
Thấu rõ cảnh giới khác,
Đừng nên mang gánh khác,
Buông gánh vui nhất đời.
Là dứt sạch các hành,
Chẳng còn phải tái sanh.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.73. 0019a15). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.25.4. 0631c11); S. 22.22 - III. 25.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.