Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 3

 

71. KIẾN CHẤP VỀ THÂN (2)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta sẽ giảng nói kiến chấp về thân, sự tập khởi kiến chấp về thân, sự diệt tận kiến chấp về thân và con đường đưa đến sự diệt tận kiến chấp về thân. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy.

Thế nào là kiến chấp về thân? Đó là năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn, đó gọi là kiến chấp về thân.

Thế nào là sự tập khởi kiến chấp về thân? Khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia, đó gọi là sự tập khởi kiến chấp về thân.

Thế nào là sự diệt tận kiến chấp về thân? Khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia đã trừ sạch hoàn toàn, đã nhổ bỏ, đã trừ sạch, ly dục, tịch diệt, đó gọi là sự diệt tận của kiến chấp về thân.

Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận kiến chấp về thân? Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy,[2] chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,[3] chánh niệm, chánh định, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận kiến chấp về thân.

Đây là giảng nói kiến chấp về thân, sự tập khởi kiến chấp về thân, sự diệt tận kiến chấp về thân và con đường đưa đến sự diệt tận kiến chấp về thân.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

(Kinh khác cũng nói như thế, chỉ có sự khác biệt là): “Nên biết kiến chấp về thân, nên biết đoạn trừ sự tập khởi kiến chấp về thân, nên biết chứng ngộ sự diệt tận kiến chấp về thân và nên biết con đường tu tập để đoạn trừ kiến chấp về thân.”

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

(Giống như bài kinh Đương thuyết,[4] kinh Hữu và kinh Đương tri cũng nói như trên, chỉ có sự khác biệt là): “Tỳ-kheo nên biết kiến chấp về thân, đoạn trừ sự tập khởi kiến chấp về thân, chứng ngộ sự diệt tận kiến chấp về thân và con đường tu tập để đoạn trừ kiến chấp về thân. Đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ ái dục, dứt các kiết sử, diệt sạch ngã mạn, vượt thoát khổ đau.”[5]

Lại có sự sai khác: “Đó gọi là Tỳ-kheo được vượt thoát khổ đau, dứt sạch phiền não,[6] Phạm hạnh vẹn toàn, Thượng sĩ thuần tịnh.”

Lại có sự sai khác: “Đó gọi là Tỳ-kheo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, việc cần làm đã làm xong, đã buông bỏ gánh nặng, mau chóng được lợi ích, dứt hết các kiết sử, có chánh trí, tâm được giải thoát.”

Lại có sự sai khác: “Đó gọi là Tỳ-kheo phá ải, vượt hào, thoát khỏi cảnh giới, vượt các chướng ngại, dựng ngọn cờ Thánh.”

Lại có sự sai khác: “Thế nào gọi là phá ải? Đó là đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Thế nào gọi là vượt hào? Đó là vượt qua hào sâu vô minh.

Thế nào gọi là thoát khỏi cảnh giới? Đó là hoàn toàn thoát khỏi sanh tử không đầu mối.

Thế nào gọi là vượt các chướng ngại? Đó là dứt sạch khát ái.

Thế nào là dựng ngọn cờ Thánh? Đó là trừ sạch ngã mạn.”

Lại có sự sai khác: “Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ hết năm chi,[7] thành tựu sáu chi,[8] giữ gìn một,[9] nương vào bốn Thánh chủng,[10] buông bỏ mọi tà kiến,[11] xa lìa các mong cầu, các tưởng vắng lặng, thân hành dừng nghỉ, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, Phạm hạnh thuần nhất, là bậc Vô thượng sĩ.”

*

Kệ tóm tắt:

Kỳ đạo hữu tam chủng,

Thật giác diệc tam chủng,

Thân hữu tứ chủng thuyết,

La-hán hữu lục chủng.[12]

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.71. 0018b28). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.70. 0018a16); Tăng. 增 (T.02. 0125.46.2. 0775c19); S. 22.105 - III. 159; A. 10.20 - V. 29.

[2] Nguyên tác: Chánh chí (正志).

[3] Nguyên tác: Chánh phương tiện (正方便).

[4] Tức bài kinh vừa trình bày.

[5] Nguyên tác: Đoạn ái dục phược, chư kiết đẳng pháp, tu vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên (斷愛欲縛, 諸結等法, 修無間等, 究竟苦邊). Đây là một cách viết khác của thành cú: Đoạn ái dục, chuyển chư kiết, chỉ mạn vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên (斷愛欲, 轉諸結, 止慢無間等, 究竟苦邊, acchecchi taṇhaṃ, vivattayi saṃyojanaṃ, sammā mānābhisamayā antamakāsi dukkhassa).

[6] Nguyên tác: Cứu cánh ly cấu (究竟離垢).

[7] Nguyên tác: Đoạn ngũ chi (斷五枝). Theo Tăng. 增 (T.02. 0125.52.7. 0827a14), “ngũ chi” chỉ cho 5 hạ phần kiết sử (五下分結使, pañca orambhāgiya saṃyojana), gồm: (i) Tham dục (貪欲, kāmarāga), (ii) Sân khuể (瞋恚, vyāpāda), (iii) Thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), (iv) Giới cấm thủ (戒禁取, sīlabbataparāmāsa), (v) Nghi (疑, vicikicchā).

[8] Nguyên tác: Thành lục chi (成六枝). Theo Du-già luận ký 瑜伽論記 (T.42. 1828.22. 0807a12), đó là “thành tựu lục niệm” (成就六念).

[9] Nguyên tác: Thủ hộ nhất (守護一). Quảng nghĩa pháp môn kinh 廣義法門經 (T.01. 0097. 0922a11) gọi là “nhất pháp thủ hộ” (一法守護); Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579. 34. 0477a09) gọi là “nhất hướng thủ hộ” (一向守護). Theo Quảng nghĩa pháp môn kinh 廣義法門經 (T.01. 0097. 0920c23) thì “thủ hộ” (守護) ở đây mang nghĩa giữ gìn các căn môn (守護根門).

[10] Nguyên tác: Y tứ chủng (依四種). D. 34, Dasuttara sutta (Kinh thập thượng) ghi: Này các Hiền giả, thế nào là vị Tỷ-kheo có thực hiện bốn y? Này các Hiền giả, vị Tỷ-kheo sau khi suy tư, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư, đoạn trừ một pháp; sau khi suy tư, tránh xa một pháp. Này các Hiền giả, như vậy là vị Tỷ-kheo thực hiện bốn y (HT. Thích Minh Châu dịch). Ngoài ra, “tứ y chủng” (四依種) còn được Tứ phần luật  四分律 (T.22. 1428.58. 1001c09) gọi là “tứ y chỉ” (四依止), tức biết đủ về y phục, về thức ăn, về vật dụng nằm, ngồi và về thuốc thang trị bệnh.

[11] Nguyên tác: Khí xả chư đế (棄捨諸諦). Quảng nghĩa pháp môn kinh 廣義法門經 (T.01. 0097. 0922a11) gọi tắt của “xả nhất đế thiên chấp” (捨一諦偏執), là buông bỏ sự chấp giữ quan điểm thiên kiến.

[12] Nguyên tác Nhiếp tụng: 其道有三種; 實覺亦三種; 有身四種說; 羅漢有六種. Bài kệ này kể tên cả những bài kinh nói vắn tắt trong các bài kinh từ 69 đến 71. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.