Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 3

 

69. VƯỢT THOÁT THÂN KIẾN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Hôm nay, Ta sẽ giảng về con đường dẫn đến sự tập khởi kiến chấp về thân[2] và con đường dẫn đến sự diệt tận của kiến chấp về thân.

Thế nào là con đường dẫn đến sự tập khởi của kiến chấp về thân?

Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, tai họa của sắc, sự thoát ly sắc. Do không biết như thật nên ưa thích sắc, khen ngợi sắc, đắm trước sắc, bám víu sắc. Do ưa thích sắc, khen ngợi sắc, đắm trước sắc, bám víu sắc nên sanh tham ái, chấp thủ; thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Như vậy, toàn bộ khối khổ lớn tập khởi.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức cũng được nói rộng như thế. Đó gọi là con đường dẫn đến sự tập khởi kiến chấp về thân.

Này các Tỳ-kheo! Nên biết con đường dẫn đến sự tập khởi kiến chấp về thân chính là con đường dẫn đến sự tập khởi của khổ.

Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt tận kiến chấp về thân?

Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, tai họa của sắc, sự thoát ly sắc. Do biết như thật nên đối với sắc, vị ấy không vui thích, không khen ngợi, không đắm trước, không bám víu. Vì không vui thích, không khen ngợi, không đắm trước, không bám víu nên sự tham ái sắc ấy diệt tận; tham ái diệt thì thủ diệt; thủ diệt thì hữu diệt; hữu diệt thì sanh diệt; sanh diệt thì già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não, toàn bộ khối khổ lớn diệt tận.

Cũng giống như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Đó gọi là con đường dẫn đến sự diệt tận kiến chấp về thân.

Con đường dẫn đến sự diệt tận kiến chấp về thân chính là con đường dẫn đến sự diệt tận của khổ.

Đó là Ta nói về con đường dẫn đến sự diệt tận kiến chấp về thân.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Như kinh Đương thuyết,[3] kinh Hữu và kinh Đương tri cũng nói như vậy

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.69. 0018a26). Tham chiếu: S. 22.44 - III. 43.

[2] Nguyên tác: Hữu thân (有身), ghi đầy đủ là “hữu thân kiến” (有身見, sakkāyadiṭṭhi)

[3] Tức bài kinh vừa trình bày. Vì mở đầu bài kinh, đức Phật nói: “Ngã kim đương thuyết” (我今當說), nên đặt tên kinh là Đương thuyết. Bản dịch Việt đặt lại tên khác cho phù hợp nội dung kinh.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.