Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm thủ uẩn.[2] Đó là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn.
Đối với năm thủ uẩn này, Ta biết như thật về năm điều: Biết như thật về sắc, biết như thật về sự tập khởi của sắc, biết như thật về vị ngọt của sắc, biết như thật về tai họa của sắc và biết như thật về sự thoát ly sắc.
Cũng vậy, Ta biết như thật về thọ, tưởng, hành; biết như thật về thức, biết như thật về sự tập khởi của thức, biết như thật về vị ngọt của thức, biết như thật về tai họa của thức và biết như thật về sự thoát ly thức.
Thế nào là biết như thật về sắc? Những gì thuộc về sắc bao gồm bốn đại[3] và sắc do bốn đại tạo thành, đó gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc? Đối với sắc mà có sự ưa thích, đó gọi là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của sắc.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc? Nghĩa là, do sắc làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc.
Thế nào là biết như thật về tai họa của sắc? Bởi sắc là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của sắc. Như vậy là biết như thật về tai họa của sắc.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly sắc? Nếu đối với sắc mà điều phục được tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly sắc.
Thế nào là biết như thật về thọ? Có sáu loại[4] thọ. Thọ sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra thọ, đó gọi là thọ. Như vậy là biết như thật về thọ.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là tập khởi của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ? Sáu thọ làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.
Thế nào là biết như thật về tai họa của thọ? Bởi vì thọ là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của thọ. Như vậy là biết như thật về tai họa của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly thọ? Đối với thọ mà điều phục tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly thọ. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly thọ.
Thế nào là biết như thật về tưởng?[5] Có sáu loại tưởng.[6] Những gì là sáu? Đó là, tưởng sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra tưởng, đó gọi là tưởng. Như vậy là biết như thật về tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng? Đó là, sự tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng? Đó là, tưởng làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.
Thế nào là biết như thật về tai họa của tưởng? Tưởng là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của tưởng. Như vậy là biết như thật về tai họa của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly tưởng? Đối với tưởng mà điều phục tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly tưởng.
Thế nào là biết như thật về hành?[7] Có sáu loại tư.[8] Tư sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra tư, đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về hành.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là tập khởi của hành. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành? Hành làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành.
Thế nào là biết như thật về tai họa của hành? Hành là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của hành. Như vậy là biết như thật về tai họa của hành.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly hành? Đối với hành mà điều phục được tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly hành. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly hành.
Thế nào là biết như thật về thức?[9] Có sáu loại thức.[10] Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức, đó gọi là thức. Như vậy là biết như thật về thức.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức? Nghĩa là danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức? Thức làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.
Thế nào là biết như thật về tai họa của thức? Bởi thức là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của thức. Như vậy là biết như thật về tai họa của thức.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly thức? Đối với thức mà điều phục được tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly thức. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly thức.
Này các Tỳ-kheo! Nếu Sa-môn hay Bà-la-môn nào đối với sắc mà biết như vậy, thấy như vậy; biết như vậy, thấy như vậy là hướng đến ly dục, đó gọi là sự hướng đến chân chánh. Nếu ai hướng đến chân chánh, Ta nói người đó sẽ được thể nhập.[11] Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật thì vị ấy sanh khởi nhàm chán đối với sắc, sẽ lìa dục, không khởi các phiền não, tâm được giải thoát. Nếu tâm vị ấy được giải thoát thì được gọi là bậc Thuần nhất.[12] Bậc đã thuần nhất thì vị ấy sẽ thành tựu Phạm hạnh. Bậc đã thành tựu Phạm hạnh thì vị ấy lìa dục, được tự tại, đó gọi là vượt thoát khỏi khổ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.41. 0009b07). Tham chiếu: S. 22.56 - III. 58.
[2] Nguyên tác: Ngũ thọ ấm (五受陰
[3] Nguyên tác: Tứ đại (四大, cattāri mahābhūtāni), gồm có địa (地): chất cứng (堅); thủy (水): chất lỏng (潤); hỏa (火): hơi nóng (熱); phong (風): sự chuyển động (動).
[4] Nguyên tác: Thân (身, kāya). Ngoài nghĩa “thân thể” (身體) còn có nghĩa là “chủng loại” (種類).
[5] Nguyên tác: Tưởng (想, saññā).
[6] Nguyên tác: Lục tưởng thân (六想身).
[7] Nguyên tác: Hành (行, saṅkhāra).
[8] Nguyên tác: Lục tư thân (六思身). Tư (思, cetanā).
[9] Nguyên tác: Thức (識, viññāṇa).
[10] Nguyên tác: Lục thức thân (六識身, cha viññāṇakāyā).
[11] Nguyên tác: Bỉ nhập (彼入): Vị ấy thể nhập (Chánh pháp). Theo S. 22.56 - III. 58: Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.
[12] Nguyên tác: Thuần nhất (純一, kevalin): Bậc Tối thắng, bậc Giác ngộ, bậc A-la-hán.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.