Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm loại hạt giống. Những gì là năm? Hạt giống từ rễ,[2] hạt giống từ thân,[3] hạt giống từ đốt,[4] hạt giống từ chiết cành[5] và hạt giống từ quả.[6]
Năm loại hạt giống này, dù không bị gián đoạn, không bị hư, không bị thối, không bị gió, vừa chín, chắc hạt, có đất, nhưng nếu không có nước thì các loại hạt giống ấy không thể sanh trưởng, lớn mạnh được.
Nếu hạt giống ấy vừa chín, chắc hạt, không bị gián đoạn, không bị hư, không bị thối, không bị gió, có nước nhưng không có đất thì hạt giống ấy cũng không thể sanh trưởng, lớn mạnh được.
Nếu hạt giống ấy vừa chín, chắc hạt, không bị gián đoạn, không bị hư, không bị thối, không bị gió, có đất và nước thì hạt giống ấy sanh trưởng, lớn mạnh.
Này các Tỳ-kheo! Năm loại hạt giống ấy là dụ cho các thủ uẩn cùng có mặt với thức.[7] Đất là dụ cho bốn chỗ thức trụ.[8] Nước là dụ cho hỷ tham. Bốn thủ[9] bám víu nơi thức mà tồn tại. Những gì là bốn? Thức trụ trong sắc, bám víu sắc, hỷ tham được thấm nhuần, làm cho sanh trưởng, lớn mạnh. Cũng vậy, thức trụ trong thọ, tưởng, hành, bám víu thọ, tưởng, hành, hỷ tham được thấm nhuần, làm cho sanh trưởng, lớn mạnh. Này các Tỳ-kheo, thức ở trong đó, hoặc đến, hoặc đi, hoặc trụ lại, hoặc biến mất, hoặc sanh trưởng, lớn mạnh.
Này các Tỳ-kheo! Nếu lìa sắc, thọ, tưởng, hành mà thức có đi, có đến, có trụ lại, có sanh thì đó chỉ là lời nói suông; nếu như chất vấn thì sẽ không biết, chỉ làm tăng thêm sự mê mờ, vì không ở trong cảnh giới đó vậy.
Đối với sắc giới mà lìa tham, khi đã lìa tham rồi thì sự trói buộc được sanh ra do sự quyến luyến của thức[10] đối với sắc bị đoạn trừ. Khi sự trói buộc được sanh ra do sự quyến luyến của thức đối với sắc bị đoạn trừ rồi thì duyên bám víu bị cắt đứt. Khi duyên bám víu bị cắt đứt rồi thì thức không còn nơi để trụ nên không thể sanh trưởng, lớn mạnh trở lại.
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành giới lìa tham thì sự trói buộc[11] được sanh ra do sự quyến luyến của thức đối với sắc bị đoạn trừ. Khi sự trói buộc được sanh ra do sự quyến luyến của thức đối với sắc bị đoạn trừ rồi thì duyên bám víu bị cắt đứt. Khi duyên bám víu bị cắt đứt rồi thì thức không còn nơi để trụ nên không thể sanh trưởng, lớn mạnh trở lại.
Do không sanh trưởng nên không tạo tác;[12] do không tạo tác nên được an trú; do được an trú nên biết đủ;[13] do biết đủ nên giải thoát; do giải thoát cho nên đối với các thế gian đều không có gì để nắm giữ, không có gì để vướng mắc; do không nắm giữ, không vướng mắc nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Ta nói thức của vị ấy không đi đến Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương phụ, phương trên và phương dưới, không có chỗ đến, chỉ thấy pháp, muốn nhập Niết-bàn, tịch diệt, mát mẻ, thanh tịnh, chân thật.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.39. 0008c26). Tham chiếu: S. 22.54 - III. 54.
[2] Nguyên tác: Căn chủng tử (根種子, mūlabīja).
[3] Nguyên tác: Kinh chủng tử (莖種子, khandhabīja).
[4] Nguyên tác: Tiết chủng tử (節種子, phalubīja).
[5] Nguyên tác: Tự lạc chủng tử (自落種子). P. aggabīja (chiết cành, cũng gọi là sáp cành).
[6] Nguyên tác: Thật chủng tử (實種子, bījabījaññeva).
[7] Nguyên tác: Thủ ấm câu thức (取陰俱識, viññāṇaṃ sāhāraṃ).
[8] Tứ thức trụ (四識住, catasso viññāṇaṭṭhitiyo). Theo A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異 門足論 (T.26. 1536.8. 0400c16), thức trụ nơi sắc, thọ, tưởng và hành, gọi là 4 nơi thức trụ (四識住者, 一, 色識住; 二, 受識住; 三, 想識住; 四, 行識住).
[9] Tứ thủ (四取, cattāri upādānāni). P. cattāri upādāni: kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ, sīlabbatūpādānaṃ, attavādūpadānaṃ (dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ).
[10] Nguyên tác: Ý (意). Trong 4 bộ A-hàm, ba chữ “tâm”, “ý” và “thức” thường sử dụng lẫn lộn. Trường hợp này chính là chữ “thức” (識).
[11] Nguyên tác: Xúc (觸). Bản Hán chép nhầm chữ “phược” (縛).
[12] Nguyên tác: Bất tác hành (不作行, anabhisaṅkha).
[13] Nguyên tác: Tri túc (知足, santusita).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.