Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người đời làm nhiều nghề nghiệp thấp kém, tìm đủ mọi cách mưu sinh để mong được giàu sang thì người đời ai cũng đều biết. Như những điều mà thế gian biết, Ta cũng nói như vậy. Vì sao như thế? Vì đừng nghĩ rằng[2] Ta khác với người đời.
Này các Tỳ-kheo! Ví như cùng một món đồ dùng, nhưng người ở vùng này gọi nó là kiện-tý, nơi khác thì gọi là cái bát, có chỗ lại gọi là chủy-chủy-la, có chỗ gọi là giá-lưu, có chỗ gọi là tỳ-tất-đa, có chỗ gọi là bà-xà-na, có chỗ gọi là tát-lao. Ta cũng nói như vậy, đúng theo sự hiểu biết của người ở các nơi ấy.[3] Vì sao như thế? Vì đừng nghĩ rằng Ta khác với người đời.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Có pháp thế gian mà Ta đã tự biết rõ, tự giác ngộ rồi phân biệt, giảng nói, chỉ bày cho người. Ta thấy, biết rồi mới nói. Thế nhưng đối với kẻ mù trong thế gian, do không có mắt nên không thấy, không biết. Đối với kẻ mù ở trong thế gian, do không có mắt nên không thấy, không biết thì Ta biết làm sao được.
Này các Tỳ-kheo! Những pháp nào thuộc về thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự biết rõ, tự giác ngộ,... (cho đến)[4] không biết, không thấy? Sắc là pháp vô thường, khổ đau, thay đổi; đó là pháp thuộc về thế gian ở trong thế gian. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường, khổ đau, thay đổi; đó là pháp thuộc về thế gian ở trong thế gian.
Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là pháp thuộc về thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự thấy, tự biết... (cho đến)20 những kẻ mù không có mắt nên không biết, không thấy thì Ta biết làm sao được.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.38. 0008c08). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.37. 0008b15); S. 22.94 - III. 138.
[2] Nguyên tác: Mạc linh (莫令). Theo Chánh Pháp Hoa kinh từ điển (正法華經詞典), “linh” (令) có nghĩa mong mỏi, ước vọng.
[3] Đây là những tên gọi khác nhau chỉ cho cái bát. Xem thêm M. 139, Araṇavibhaṅga Sutta (Kinh vô tránh phân biệt): Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong nhiều quốc độ, người ta biết (những chữ) pati... patta... vittha... sarava... dharopa... pona... pisila. Như vậy, như họ biết trong các quốc độ ấy những chữ là như vậy như vậy, có người lại làm như vậy, kiên trì chấp thủ, chấp trước và nói: “Chỉ như vậy là sự thật, ngoài ra là hư vọng.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chấp trước địa phương ngữ, là đi quá xa ngôn ngữ thường dùng (HT. Thích Minh Châu dịch).
[4] Bản Hán tỉnh lược nội dung
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.