Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn xoài Tán Cái, bên bờ sông Bạt-đề, thuộc nước Ma-thâu-la.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy an trú nơi hòn đảo của chính mình, hãy an trú và nương tựa nơi chính mình! Hãy an trú nơi hòn đảo Chánh pháp, hãy an trú và nương tựa nơi Chánh pháp, không phải hòn đảo nào khác, không phải nơi nương tựa nào khác!
Này các Tỳ-kheo! Phải chân chánh quán sát, hãy an trú nơi hòn đảo của chính mình, hãy nương tựa nơi chính mình. Hòn đảo chính là Chánh pháp, nơi nương tựa chính là Chánh pháp, không phải hòn đảo nào khác, không phải nơi nương tựa nào khác.
Do nguyên nhân gì mà lo buồn, khổ não phát sanh? Vì sao nó hiện hữu?
Nguyên nhân của nó từ đâu? Vì sao lại bị trói buộc? Phải tự quán sát rằng, do đâu mà lo buồn, khổ não chưa sanh mà bây giờ lại sanh? Do đâu mà lo buồn, khổ não đã sanh rồi lại tăng trưởng thêm lên?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con! Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng cho các thầy.
Này các Tỳ-kheo! Hãy tự mình quán sát, do sự hiện hữu của sắc, do nguyên nhân từ sắc, do sự trói buộc của sắc nên những lo buồn, khổ não chưa sanh thì nay lại sanh, đã sanh rồi thì tăng trưởng thêm lên; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Này các Tỳ-kheo! Có sắc nào thường hằng, không thay đổi và tồn tại mãi không?
Đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, sắc là vô thường. Nếu người thiện nam biết rõ sắc là vô thường, là khổ, là đổi thay thì được lìa dục, diệt tận,
tịch tĩnh, vắng lặng. Từ xưa đến nay, tất cả sắc đều là pháp vô thường, khổ đau, thay đổi. Biết như vậy rồi thì nếu sắc làm nhân duyên sanh ra lo buồn, khổ não sẽ bị đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ sắc rồi thì không còn gì vướng mắc. Do không còn gì vướng mắc nên sống trong an lạc. Đã sống trong an lạc thì được gọi là Niết-bàn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Khi Phật nói kinh này, mười sáu Tỳ-kheo không khởi các lậu hoặc, tâm
được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Trúc Viên, Tỳ-xá-ly,
Thanh tịnh, Chánh quán sát,
Vô thường, Khổ, Phi ngã,
Ngũ, Tam dữ Thập lục.[2]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.36. 0008a21). Tham chiếu: S. 22.43 - III. 42.
[2] Nguyên tác Nhiếp tụng: 竹園, 毘舍離; 清淨, 正觀察; 無常, 苦, 非我; 五, 三與十六. Do đặt lại tựa
đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.